Kinh tế

Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách thúc đẩy đầu tư công

THANH GIANG 04/07/2024 07:35

Dù đã đi hết nửa năm 2024, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM vẫn ở mức thấp. Theo Kho bạc Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 28/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, chiều 1/7, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết đến cuối tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15,7%.

anh-bai-duoi-trang-7.jpg
Công trường vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn. Ảnh: PHƯƠNG NHI.

Trước việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM bày tỏ lo lắng khi nêu vấn đề: Với tiến độ giải ngân như thời gian qua thì để đạt kế hoạch trung bình một tháng thành phố phải giải ngân 13%. Nghĩa là giải ngân bình quân 1 tháng bằng 6 tháng. Liệu thành phố có giải ngân được hay không?

Trong khi đó, ông Trần Quang lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm do bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc.Còn theo một số sở, ngành, thiếu cát xây dựng nên ảnh hưởng tiến độ dự án. Đơn cử, dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai. Do thiếu cát nên một số gói thầu chậm tiến độ. Việc thiếu cát là thách thức đối với mục tiêu thông xe phần cao tốc năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Đồng cảnh ngộ, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đạt hơn 50% tổng khối lượng. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc về vật liệu cát đắp nền.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng cho rằng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố thấp nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vật liệu xây dựng, vốn lớn nên áp lực lên các chủ đầu tư... Ngoài ra, một số dự án nhận đủ vốn nhưng chưa bàn giao mặt bằng, bàn giao rồi nhưng chưa đủ, vướng về thủ tục hành chính. Vì vậy, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một lần về thủ tục cấp giấy phép xây dựng để triển khai dự án.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, năng lực hấp thụ vốn của thành phố chưa cao. Hiện nay giải ngân đầu tư công vướng mắc ở thủ tục thực hiện và điều chỉnh quy hoạch. TPHCM đặt mục tiêu đến quý 2 giải ngân khoảng 30% nhưng đến nay, chỉ đạt được gần một nửa kế hoạch và bằng 1/2 cả nước. Giải ngân đầu tư công không đạt thì phải phân tích kỹ rút ra những bài học cụ thể. Ông Mãi cũng nêu rõ, thành phố đã lập các tổ chuyên trách kiểm tra hàng ngày các dự án đầu tư công. Đề nghị các sở, ngành rà soát lại xem nếu dự án nào mà chủ đầu tư quận, huyện triển khai nhanh hơn thì đề xuất chuyển giao, hoặc quận, huyện có thể đề xuất. Thủ tục chuyển giao phải được thực hiện nhanh nhất có thể. Các sở ngành, quận, huyện cũng phải rà soát các dự án, đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND thành phố và xin ý kiến HĐND thành phố.

“Cần phải rà soát lại một cách có hệ thống, các dự án tồn đọng, vướng mắc chỗ nào tháo gỡ chỗ đó nhằm khơi thông điểm nghẽn giải ngân. Từ đó, phấn đấu 6 tháng còn lại của năm 2024 đạt chỉ tiêu giải ngân đề ra khoảng 95% vốn đầu tư công” - Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Thông tin từ UBND TPHCM cho biết, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 79.263,776 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.168,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,22 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố Hồ Chí Minh tìm cách thúc đẩy đầu tư công