Hôm nay (27/2), tại Hà Nội bắt đầu những hoạt động đầu tiên trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (27-28/2). Những ngày này, các cơ quan chức năng của Việt Nam, của Hà Nội và người dân Hà Nội cũng đều hướng về Hội nghị bằng cả tấm lòng và tình cảm bởi ai cũng mong muốn được đóng góp cho tiến trình hòa bình ấy.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Đình Tĩnh (Học viện Ngoại giao) cho rằng, trong lịch sử ít quốc gia nào trải qua nhiều xung đột, chiến tranh như Việt Nam. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc, người Việt Nam càng thấu hiểu giá trị của hòa bình. Vì thế, không chỉ trong vấn đề Triều Tiên mà đối với nhiều vấn đề an ninh đối ngoại khác, Việt Nam đều chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình. Điểm đặc biệt là, chúng ta luôn suy nghĩ hòa bình ổn định của Việt Nam gắn với hòa bình ổn định khu vực và thế giới.
Điều này càng được minh chứng rõ hơn trong cuộc họp báo sáng 25/2, trả lời phóng viên đến từ Đài Phượng Hoàng, Hồng Kông (Trung Quốc) khi nêu câu hỏi Việt Nam đã bỏ ra bao nhiêu tiền chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều? Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ: “Do sự kiện chưa kết thúc nên chúng tôi chưa có con số cuối cùng và cụ thể về số tiền, song lớn nhất là công sức, tình cảm chúng tôi dành cho sự kiện này. Quan tâm nhất của chúng tôi thời điểm này là bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, bảo đảm về lễ tân, đồng thời bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm nhất đối với sự kiện”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những ngày qua đã thị sát các “sở chỉ huy” của các bộ ngành tham gia phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và có những chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Đặc biệt chỉ trong vòng 2 ngày, Thủ tướng đã 3 lần đến kiểm tra và đưa ra những yêu cầu cụ thể với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như với Hà Nội. Bởi ông mong muốn, các bạn quốc tế tới Việt Nam phải cảm nhận được sự nồng ấm, mến khách của Hà Nội, của Việt Nam. Đường phố Hà Nội những ngày này rực rỡ hơn với cờ hoa, chờ đón những vị khách đặc biệt đến với một hội nghị đặc biệt.
Hà Nội, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là thành phố vì hòa bình. Vẫn ông Lê Đình Tĩnh chia sẻ: “Tôi nghĩ, không chỉ có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, Hà Nội còn có các địa danh đặc biệt như hồ Hoàn Kiếm, nơi Vua Lê Lợi trả gươm báu để chấm dứt chiến tranh, nhanh chóng vãn hồi, duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu hảo với nước láng giềng. Tượng đài Lý Thái Tổ có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân hai miền Triều Tiên vì Vua Lý Thái Tổ chính là ông tổ của Hoàng tử Lý Long Tường, người khai sinh dòng họ Lý Hoa Sơn ở bán đảo Triều Tiên. Việc chọn Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, mang thông điệp chính trị cho cả hai phía Mỹ - Triều bởi Việt Nam không chỉ là địa điểm cho một cuộc gặp thượng đỉnh mà còn là mối quan hệ quan trọng, hữu ích đối với họ. Việt Nam là biểu hiện sinh động của một mục tiêu mà hai bên muốn hướng tới: Chuyển trạng thái từ đối đầu sang đối thoại và từ đối thoại đến hợp tác thực chất”.
Còn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thì nhấn mạnh: “Các bạn biết rằng, lựa chọn nước nào tổ chức một hội nghị quan trọng liên quan đến hòa bình thì nước đó phải có những chính sách, đường lối đóng góp vào hòa bình, ổn định. Việt Nam luôn mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định trên thế giới, nhất là trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tự hào Việt Nam đảm bảo được yêu cầu lựa chọn này. Điều tự hào thứ hai, đó là lựa chọn nước nào thì nước đó cần đảm bảo vấn đề an ninh, hậu cần, vật chất để Hội nghị thượng đỉnh thành công. Việt Nam đáp ứng điều đó. Những ngày tới, các bạn sẽ thấy những điều này được chứng minh”.
Việc chủ trì các hội nghị, sự kiện quốc tế là cách để chúng ta thể hiện vai trò của một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng thế giới; thể hiện mong ước vì một nền hòa bình cho hành tinh xanh của chúng ta.
Các nhà quan sát cho rằng, nếu như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore chủ yếu mang tính biểu tượng thì cuộc gặp lần này tại Hà Nội, yếu tố thực chất được đề cao hơn. Giải trừ quân bị, phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, an ninh, nới lỏng hay dỡ bỏ cấm vận, tuyên bố kết thúc chiến tranh - những chủ đề hai bên có thể thảo luận tới đây - đều là những lĩnh vực không hề đơn giản.
Và, giống như nhân loại yêu chuộng hòa bình, chúng ta đều mong đàm phán Mỹ - Triều thành công. Hy vọng là với thịnh tình, lòng hiếu khách và lòng yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, lần này Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có những đột phá, ghi dấu ấn lịch sử, đem đến những điều tốt đẹp hơn cho mỗi nước và cho thế giới mà chúng ta đang sống.