Thanh tra doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội trong năm 2022

Khanh Lê 30/09/2021 07:18

Bộ LĐTB&XH vừa ban hành văn bản hướng dẫn công tác thanh tra năm 2022.

Theo đó, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), năm 2022 tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHXH đối với các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, các cơ sở giáo dục (chú trọng các trường đại học, cao đẳng) trên địa bàn quản lý.

Việc thanh tra sẽ do ngành LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai chiến dịch trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ LĐTB&XH sẽ chú trọng tới các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động còn nợ đọng BHXH, tập trung ở 14 tỉnh, thành phố.

Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH cho biết, tính đến 31/12/2020 tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ).

Ủy ban Xã hội đánh giá cao cơ quan BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ, số nợ của nhóm nợ từ 5 năm trở lên năm 2020 là 2.190 tỷ đồng, giảm 1,19% so với năm 2019.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo; trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ, riêng số nợ của nhóm này và nợ lãi chậm đóng thì đã chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động do dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các biện pháp hỗ trợ, theo đó, cơ quan BHXH đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, cần phải có tính toán về hệ quả pháp lý của việc triển khai gói hỗ trợ này trong trường hợp sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng, nhưng doanh nghiệp không có khả năng đóng bù, tránh tình trạng như một số tập đoàn, tổng công ty trước đây - sau khi được khoanh nợ tiền đóng BHXH nhưng đến nay vẫn chưa trả được, gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho người lao động; khó khăn cho cơ quan thực hiện quản lý Quỹ BHXH.

Trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ LĐTB&XH khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động.

Theo Bộ LĐTB&XH, lĩnh vực người có công, từ năm 2022 cũng bắt đầu triển khai toàn quốc thanh tra việc xác lập hồ sơ bệnh binh và hồ sơ thương binh theo quy định. Đồng thời, tiếp tục thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại các địa phương chưa thực hiện tự kiểm tra, rà soát hoặc tự kiểm tra, rà soát chưa đạt yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh tra doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội trong năm 2022

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO