Hồi đầu những năm 90, chúng tôi những người làm báo mới trở về từ nước ngoài chơi khá thân với nhau, trong đó có một mỹ nhân. Cô còn rất trẻ và xinh nhất đám, chưa có gia đình, tốt nghiệp cao học báo chí ở Nga… nghĩa là cô có rất nhiều điểm mạnh, lại đã từng gặp Thanh Tùng ở nhà Trịnh Công Sơn. Nghe tin Thanh Tùng từ TP HCM đang có mặt ở Hà Nội, chúng tôi nhờ cô mời Thanh Tùng gặp gỡ, cà phê, ăn trưa và chụp ảnh. Ngày đó, cả nước còn nghèo, văn nghệ sĩ càng nghèo nữa, chưa mấy ai có di động, chu
Cố nhạc sĩ Thanh Tùng.
Khi Thanh Tùng xuất hiện, cả nhóm hân hoan, riêng tôi thầm thán phục vì trông ông khác với nhiều nhạc sĩ lúc bấy giờ (tóc tai bù xù, ăn mặc hầm hố…) Thanh Tùng rất diện từ đầu tóc, sơ mi đến giày tất, phong cách hào hoa, ga lăng nhưng lại rất cởi mở, dễ gần. Trong số 6 người chúng tôi thì 5 người là lần đầu, nhưng ông chủ động xóa đi khoảng cách đó, ông chìa tay với mỗi người, bàn tay mềm mại, ấm áp và thân thiện, ông xưng hô “mày tao” kiểu tây, rất gần gũi . Ông tặng mỗi đứa một món quà nhỏ, kèm một bông hồng.
Cả 6 bọn tôi líu ríu, vui vẻ, nhắc tên những bài hát của anh lúc đó đang rất được yêu thích, từ mới gọi là rất hot, hỏi anh dùng gì, Thanh Tùng nói, tùy các em. Thấy chúng tôi rón rén chọn món, anh bảo cứ gọi thoải mái đi, nhà hàng này là của anh, anh mời… Mỹ nhân đưa mắt nhìn chúng tôi hàm ý, thấy chưa, Thanh Tùng cơ mà, các chị không biết cứ lo hão lo huyền. Sau đó cô giải thích, anh bảo như vậy để giữ suất thanh toán chứ nhà hàng của Thanh Tùng trong Nam kia. Rồi cô nói, Thanh Tùng không chỉ đối với phụ nữ như vậy mà với anh em bè bạn ông cũng là người hào phóng.
Từ đó, tôi để ý nhiều hơn về ông, tôi thích các bài hát của ông, nó nhiều sức chia sẻ và lay động. Tôi nghe có nhiều bài ông viết bởi chính kỷ niệm riêng của ông, nhưng với tôi và có thể với nhiều người, ca từ và âm nhạc của Thanh Tùng dường như là viết cho mình, cho hết cả mọi người. Một câu trong Hoa tím ngoài sân: “Cuộc đời lạ lùng, cuộc đời ước mơ những điều viển vông. Lòng người lạ lùng, thường hay mong nhớ những điều hư không”... sao mà đúng với tôi vào những ngày tôi xa gia đình đến thế. Ngày ấy, nhìn thấy những phố phường tươi đẹp của châu Âu, nhìn thấy những đôi trai gái tay trong tay ở công viên, và nhìn thấy có một người đàn ông bâng quơ nào đó trên màn ảnh…là tôi ước ao, mơ tưởng. Viển vông một chút, lãng mạn một chút, nỗi nhớ nhà thêm khắc khoải nhưng thật ra đó lại là động lực để tôi yêu đời hơn.
Nhắc đến Thanh Tùng, lại nhớ cách đây 25 năm về trước cũng dịp tháng 3 này, nhóm “Những người bạn” gồm những nhạc sĩ nổi tiếng (Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Hiên và Thanh Tùng) đã được lập ra với mong muốn khích lệ nhau sáng tác, trình bày những sáng tác mới, mang đến những điều mới mẻ cho âm nhạc, góp phần làm phong phú nên bức tranh âm nhạc Việt, khi đó đang đậm màu sắc hải ngoại đơn điệu.
Nhóm những người bạn đi đầu trong phong trào nhạc trẻ từ sau ngày giải phóng. Tác phẩm của họ thường viết theo thể loại pop, rock... hướng về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Sáng tác của họ mang đến cho khán giả nhiều món ăn tinh thần mới, trong đó có thể kể đến như: Hai mươi mùa nắng lạ, Sóng về đâu... (Trịnh Công Sơn), Mưa rơi, Tình yêu mãi mãi... (Tôn Thất Lập), Xin làm người hát rong, Mừng tuổi mẹ... (Trần Long Ẩn), Hát với chú ve con, Giọt nắng bên thềm... (Thanh Tùng), Ngày em đến, Quê hương tuổi thơ tôi... (Từ Huy), Ngọn lửa trái tim, Thôi em hãy về... (Nguyễn Ngọc Thiện), Một thời để nhớ, Ngày xưa còn bé... (Nguyễn Văn Hiên). Bảy nhạc sĩ vui buồn có nhau, cùng đàm đạo về âm nhạc, biểu diễn trên sân khấu. Hàng tháng nhóm lại tụ họp ở một nhà ai đó để nói về ca khúc đã viết trong tháng. Bên cạnh những album riêng của từng người, họ cũng đã có được 5 album chung của nhóm. Các thành viên của nhóm hầu hết trưởng thành từ phong trào văn nghệ thời chiến tranh và chơi thân với nhau từ những năm 80.
*
Thân thiết, hết lòng, nhưng Thanh Tùng vẫn có một cõi riêng khác nữa, đó là mảng đời sống kinh doanh của ông. Có lẽ ông không ưa sống nghèo không phải vì ông sợ khổ mà vì ông không thích hèn, không thích bị người khác nhìn mình, nhìn giới văn nghệ sĩ như một thương hại, ông muốn trở thành mạnh thường quân của chính mình. Một thời, có thể gọi ông là một doanh nhân thành đạt, với chuỗi đầu tư kinh doanh: nước khoáng, nhà hàng, khách sạn, bất động sản và sở hữu một vũ trường. Ở bất cứ mặt nào, ông cũng là một người có vị trí cao, nhưng đồng thời cũng là một “ngôi sao cô đơn”. Không mấy ai thấy ông ra đường mà không có những bóng hồng kiều diễm đi cạnh. Nhưng có lẽ trong sâu thẳm, ông chọn lối cô đơn không bộc lộ, không coi cô đơn là một bi kịch, ông có thể đem cái nỗi buồn cô đơn của mình ra đùa vui, giễu nhại: “… Sỏi đá rêu phong/ sỏi đá chưa quên chân người /Bài hát rêu phong / bài hát viết không nên lời/ đã vội ... lãng quên” . Âm nhạc của ông giàu chất cổ điển châu Âu, và dù viết trong tâm thế riêng nào cũng đầy sức trẻ, lãng mạn, bình yên, tràn đầy niềm tin vào tình yêu và cuộc sống.
Có thể nói Thanh Tùng cũng như các nhạc sĩ trong nhóm “Những người bạn” đã đi qua cuộc đời này như một cách rong chơi đầy thi vị, mỗi người mỗi cách. Và cách của Thanh Tùng, thì chỉ riêng Thanh Tùng mới có: bận rộn mà trông cứ như không. Cô đơn mà trông cứ như dập dìu giai nhân tài tử. Nhiều người ngưỡng mộ vây quanh mà lại viết “Một mình” và đó là bài ai đã nghe đã có một đời sống, một suy tư sâu sắc thì đó là bài đỉnh nhất của Thanh Tùng. Lúc nào cũng dùng hàng hiệu và đã xuất hiện thì kỹ đến từng chi tiết của trang phục…
Là người gốc Khánh Hòa tập kết ra Bắc theo cha mẹ, Thanh Tùng du học ở Triều Tiên, tốt nghiệp Nhạc viện Bình Nhưỡng, sau 1975 ông về sống và làm việc tại TP HCM. Ngày Thanh Tùng còn nghèo khó, mọi lo toan trong gia đình nhờ vào vợ. Chị Minh, làm nghề quay phim ở Hà Nội, nhưng khi về miền Nam chị đã đổi… nghề. Chị tần tảo xoay trở làm lụng để làm bệ đỡ cho những đam mê nghệ thuật của chồng nuôi các con. Sống với nhau hơn 18 năm, sau này, chị mất, các con còn nhỏ mọi sự trông vào khả năng kinh doanh xoay trở của Thanh Tùng. Bè bạn khâm phục anh ở chỗ này nữa. Rong chơi đến đỉnh mà cẩn trọng gìn giữ gia đình, chăm sóc con cái cũng chu toàn. Thanh Tùng tận tụy cả với trò, nếu nói không quá, thì Bằng Kiều nhờ vào lời khuyên của Thanh Tùng, nhờ bài hát của Thanh Tùng mà xuất hiện và có sự nghiệp. Bằng Kiều ngày tham gia nhóm Chìa Khóa Vàng, thi Ban nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng, Nhạc sĩ Thanh Tùng làm giám khảo, ông đã nhận ra khả năng của Bằng Kiều và động viên anh bằng những câu nói rất chân thành. Ca khúc Trái tim không ngủ yên hay như Giọt sương trên mí mắt, Lối cũ ta về đều được nhạc sĩ khen ngợi. Và khán giả cả nước biết nhận ra Bằng Kiều từ khi đó. Các ca sĩ khác như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Ánh Tuyết, Ngọc Thúy, Thanh Trúc, Ngọc Liên, Mỹ Hạnh…đều thành công ở những bài hát của ông. Nhiều show diễn nhờ vào program có tên tác giả và những bài hát Thanh Tùng mà nhà hát kín chỗ, phải diễn các show đúp sau đó. Ngay cả những nhà tổ chức sản xuất âm nhạc, những đạo diễn, những bạn bè đồng trang lứa, hay vong niên đều yêu mến Thanh Tùng, người có vẻ bên ngoài khá cầu kỳ, kiêu hãnh và sang trọng, nhưng tâm hồn thì rộng mở, giản dị.
Sống ở TP. HCM một mình từ khi vợ mất, từ khi ông mới ngoài 40 tuổi, cho đến mấy năm gần đây Nhạc sĩ Thanh Tùng đã ra Hà Nội sống với gia đình con trai. Ông bị đột quỵ vào năm 2008, ngoài ra còn mang bệnh tiểu đường, hàng tháng phải chạy thận. Nhiều năm ngồi trên xe lăn, kiên trì chống chọi với bênh tật, ngày 15-3, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng, tiếc nuối. Những người bạn của ông đông vô kể, chúng tôi những người được ông tặng quà hồi nào, có thể ông cũng chỉ còn nhớ thoang thoáng, nhưng chúng tôi thì nhớ ông, vì bài hát của ông vẫn hằng ngày nghe đây, vẫn chia sẻ và đồng hành với mỗi người qua năm tháng cuộc đời.