Tháo gỡ bất cập, 'trị bệnh sợ sai'

M.Loan-H.Vũ 01/06/2023 06:10

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Ngoài các ý kiến làm “nóng” nghị trường khi đề cập tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai..., một số Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, để đạt được các mục tiêu trong năm 2023 cần tiếp tục có các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cộng đồng doanh nghiệp đang chờ những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ để doanh nghiệp hồi phục. Ảnh: Quang Vinh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế

ĐBQH Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho biết qua thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%. Do đó theo ông Phương, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công, lành mạnh các thị trường. Trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

“Cần tập trung nguồn lực cho giải quyết nhu cầu ăn ở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu học tập cho tầng lớp công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người trẻ tuổi mới đi làm. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cấp doanh nghiệp (DN) và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự phát, đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số” - ông Phương nói và cho rằng cần quan tâm hơn đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết hợp đầu tư mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống y tế cơ sở. Thực thi chính sách học tập suốt đời để tạo cơ hội việc làm mới cho người dân, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều thách thức.

Cùng chung nỗi lo, ĐBQH Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như: đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của DN cũng suy giảm.

Từ đó bà Thuý đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để DN dễ hấp thụ nhất. Trong lúc này cần dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp DN như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) đề nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.

Chữa bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi: Tại sao trước đây không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà nay mới xuất hiện? không những thế, còn lan từ khu vực công sang khu vực tư. Do vậy cần phải xác định được căn nguyên của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm những cán bộ nào, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Theo phân tích của ông Tuấn, có hai nhóm cán bộ “sợ trách nhiệm”. Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Từ đó ông Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay. “Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả” - ông Tuấn nói.

ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ; có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức; khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. “Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng” - bà Thu nói.

ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: Nguyên nhân của vấn đề này có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế, trình độ hạn chế, do vậy việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy. Về giải pháp, theo ông Tám, ngoài việc gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong công việc cũng cần có cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chung.

Giải trình, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng cán bộ công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành. Tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: quản lý đất đai, đầu tư công, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển DN, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và DN. Tình trạng này làm trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và suy giảm niềm tin của người dân và DN với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, có 4 nguyên nhân: Do nhận thức và ý thức trách nhiệm; vai trò trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị địa phương chưa phát huy nghiêm túc; thể chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội còn chồng chéo, chậm được sửa đổi bổ sung; kỷ cương kỷ luật hiện nay đang được siết lại, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh với hàng loạt cán bộ bị khởi tố dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Dù là bất kỳ nguyên nhân nào thì hiện tượng này cũng là vi phạm, sai phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu” - Bộ trưởng cho biết.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến làm “nóng” nghị trường khi đề cập tình trạng “một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai... và kiến nghị cần có giải pháp xử lý để không cản trở sự phát triển. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng hiện trạng này cần nhìn nhận không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương trong một bộ phận cán bộ, công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất là lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư phát triển DN, cung ứng dịch vụ trực tiếp liên quan người dân và DN.

Cử tri Điện Biên cảm ơn Mặt trận phát động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo

Trước Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước, thay mặt cho cử tri tỉnh Điện Biên, ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đã chuyển lời cảm ơn của cử tri tỉnh Điện Biên nói riêng và các đồng bào dân tộc tỉnh Tây Bắc nói chung đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam; các bộ, ban, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố; các nhà hảo tâm là các tổ chức, DN và cá nhân đã ủng hộ hưởng ứng Lễ phát động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc khi năm 2024 chúng ta kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. “Đây là nguồn động viên to lớn đối với các mảnh đời còn nhiều khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, cử tri mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với Điện Biên, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia” - bà Yên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ bất cập, 'trị bệnh sợ sai'