Xã hội

Tháo gỡ bế tắc trong phòng chống thuốc lá lậu

Minh Đức 12/05/2025 10:35

Suốt nhiều năm qua, dù ban hành nhiều biện pháp phòng chống buôn lậu thuốc lá, tăng hình thức xử phạt nhưng tỷ lệ phạm tội buôn lậu thuốc lá ngày càng leo thang, tinh vi và liều lĩnh.

Mới đây, tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” do Báo Tiền phong tổ chức tại Hà Nội, đại diện các bộ ngành cùng chia sẻ khó khăn với mong muốn có giải pháp kiểm soát buôn lậu một cách hiệu quả.

Thiếu sản phẩm hợp pháp đáp ứng nhu cầu

Tại tọa đàm trên, Trung tá Nguyễn Minh Tiến - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội - nhận định, bất chấp những nỗ lực triển khai các chiến dịch phòng chống buôn lậu thuốc lá từ cơ quan chức năng, tình trạng buôn lậu thuốc lá lại càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông, đến từ thói quen tiêu dùng và nhu cầu sử dụng thuốc lá mới, các sản phẩm thuốc lá lậu có giá rẻ vẫn còn hiện hữu trên thị trường.

Lý giải cho vấn đề vì sao có lệnh cấm nhưng người dùng vẫn tìm kiếm thuốc lá mới từ nguồn hàng chợ đen, ông Phan Quốc Đông, Phó Chi cục trưởng Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan cho rằng, các mặt hàng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) sử dụng công nghệ hiện đại, tiện lợi và đa dạng về hình thức.

Ở góc độ kinh tế, ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách (VERP) cũng cho biết, người tiêu dùng có phản ứng rất nhạy với giá. Chỉ một mức chênh lệch nhỏ cũng khiến họ sẵn sàng tìm đến những nguồn hàng rẻ hơn, thậm chí bất chấp khoảng cách địa lý hay yếu tố hợp pháp của sản phẩm.

Tại Việt Nam, quyết định cấm TLĐT, TLNN được đưa ra trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhất là thanh thiếu niên. Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong thị trường chợ đen ở lứa tuổi 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn cầu và không một loại thuốc lá nào là an toàn. Do đó, bỏ thuốc lá luôn là biện pháp ưu tiên hàng đầu.

Song trên thực tế, việc loại bỏ hoàn toàn thuốc lá trong cộng đồng gần như là điều bất khả thi. Tình trạng buôn lậu vẫn gia tăng tại cả những nước cấm thuốc lá mới như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Úc…

Nhiều cửa hàng thuốc lá điện tử bị thiêu rụi trong cuộc chiến giành thị phần giữa các nhóm buôn lậu tại Úc. (Ảnh: The Guardian).

Hệ lụy buôn lậu không chỉ nhìn thấy ở khía cạnh thất thu ngân sách Nhà nước, trên thực tế tại nhiều quốc gia, mức lợi nhuận khổng lồ từ thị trường buôn lậu đã thúc đẩy hoạt động phi pháp và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng như bạo lực, rửa tiền... Điển hình là tại bang Victoria (Úc), nơi các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt cùng thuế suất cao vô tình tạo điều kiện cho thuốc lá mới lậu bành trướng. Trong cuộc cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị phần, các băng nhóm tội phạm đã thực hiện hơn 100 vụ tấn công bằng bom xăng nhắm vào các cửa hàng TLĐT, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự xã hội và sự an toàn của cộng đồng.

Mới đây nhất, ông Clive Bates, cựu quan chức từng làm việc cho các tổ chức chống thuốc lá tại Anh và Liên hợp quốc, hiện là nhà vận động ủng hộ các sản phẩm thay thế không khói thuốc đã bình luận trên trang X: “Dễ thấy, tại các thị trường mà các sản phẩm thuốc lá không khói không được đáp ứng hợp pháp, tỷ lệ bệnh tật, tử vong và tình trạng hút thuốc lá điếu vẫn không thay đổi. Điều này cũng sẽ thúc đẩy thị trường chợ đen phát triển, kéo theo là tỷ lệ phạm tội tăng cao”. Theo đó, một số chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không có những biện pháp kiểm soát phù hợp, Việt Nam có thể phát sinh các rủi ro về thị trường chợ đen.

Kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống buôn lậu thuốc lá

Thực tế tại Úc cho thấy, dù đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt và áp dụng mức thuế cao, nhưng mức độ phổ biến của TLĐT vẫn không ngừng gia tăng. Theo khảo sát trên hộ gia đình về Chiến lược Quốc gia về Ma túy của Úc, tỷ lệ người từ 14 tuổi trở lên sử dụng TLĐT đã tăng gấp đôi từ 2019 đến 2022-2023.

Tại Mỹ, làn sóng thuốc lá mới bất hợp pháp tràn vào các tiểu bang nước này đang trở thành vấn đề báo động. Các nguồn hàng này chủ yếu xuất phát từ thị trường lậu quốc tế. Nhiều sản phẩm trong số đó được thiết kế để thu hút trực tiếp trẻ em.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều tiểu bang tại Mỹ đã triển khai danh mục thuốc lá mới đã qua kiểm định khoa học của Chính phủ làm cơ sở loại bỏ các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và bất hợp pháp. Chính sách này đã được áp dụng tại các bang như Oklahoma, Louisiana, Alabama và Wisconsin, và hiện đang được xem xét tại nhiều tiểu bang khác. Mục tiêu của chính sách là đảm bảo rằng người tiêu dùng có nguồn cung hợp pháp được chính phủ cho phép thay vì đánh đổi sức khỏe bản thân tại thị trường chợ đen.

Một trong những biện pháp bổ sung để ứng phó với thị trường chợ đen, mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu FDA tinh giản quy trình cấp phép nhằm sớm đưa các loại thuốc lá mới trên thị trường vào hệ thống quản lý, từ đó cơ hội người dùng tiếp cận hàng lậu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết bảo hộ ngành hàng thuốc lá mới tại Mỹ, đồng thời trấn áp buôn lậu và ngăn chặn giới trẻ tiếp cận. (Ảnh: Vapor Technology Association).

Ngoài ra, Mỹ cũng áp dụng chiến lược “kiềng ba chân” gồm cấp phép và giám sát chuỗi cung ứng; dùng tem thuế và dấu hiệu nhận diện sản phẩm; và chú trọng giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Cụ thể, qua cơ chế hậu kiểm, thuốc lá mới được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định thương mại, đảm bảo chỉ tiếp cận người hút thuốc trưởng thành. Song, đối với các doanh nghiệp kinh doanh trái phép, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ có quyền tịch thu, tiêu hủy và xử phạt nghiêm ngặt.

Để bảo vệ giới trẻ, Tổng thống Trump đã nâng độ tuổi hút thuốc hợp pháp từ 18 lên 21. Về phía FDA, cơ quan này đã triển khai chiến dịch giáo dục cộng đồng để ngăn chặn trẻ vị thành niên tiếp cận TLĐT. Theo đó, chiến dịch đã giúp ngăn chặn gần 450.000 trẻ vị thành niên, giảm gần 70% tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ còn 5,9%, so với mức 27,7% ở năm 2019.

Từ thực trạng các quốc gia hiện nay cho thấy, tỷ lệ tội phạm tăng cao đang phản ánh sự cấp thiết của việc đáp ứng phần nào nhu cầu của người dùng, từ đó mới có thể đặt hy vọng giảm gánh nặng phòng, chống buôn lậu.

Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra”, các đại biểu kiến nghị, chính sách đặt ra cần giải quyết đa nhiệm các điểm nghẽn, không nên chỉ tập trung giải quyết một góc độ sức khỏe mà bỏ qua các vấn đề khác như kinh tế, phòng chống buôn lậu, nhu cầu tiêu dùng, ngân sách quốc gia, sức khỏe doanh nghiệp,...

“Điều quan trọng là phải tiến hành đánh giá tác động toàn diện đối với các chủ thể liên quan, dù là để ban hành chính sách mới hay là bỏ chính sách cũ”, ông Nguyễn Quốc Việt khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ bế tắc trong phòng chống thuốc lá lậu