Tháo gỡ điểm nghẽn để bứt phá

H.Vũ 25/10/2023 07:10

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham gia thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi. Ảnh: Quang Vinh.

Nhận diện khó khăn để nỗ lực khắc phục

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (ĐBQH thành phố Đà Nẵng) nhận định, đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước chỉ rõ hạn chế, khó khăn của chúng ta còn rất nhiều, rất lớn. Trong đó, có rất nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được. Cùng với đó, có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ rất hạn chế. Ví như đầu tư công, chúng ta tưởng chừng như cái khó là không có tiền để chi tiêu nhưng có tiền rồi vẫn không chi tiêu được. Báo cáo tại Quốc hội cũng đã nói rõ nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50%.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các vị đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo địa phương khi làm việc thấy vướng ở pháp luật, nghị định thì cần chỉ rõ vướng ở nghị định nào, thông tư nào.

Trong phần thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính (ĐBQH thành phố Cần Thơ) dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan các vấn đề đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.

Theo Thủ tướng, sạt lở ĐBSCL là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực đến ĐBSCL.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

“Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải thì chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu” - Thủ tướng lưu ý, đồng thời cho rằng, phải có tư duy, phương thức, cách tiếp cận mới để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.

"ĐBSCL có nhiều việc cần làm, nhưng cả trước mắt và lâu dài là khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn, hạn hán" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Băn khoăn giải ngân đầu tư công

Đề cập vấn đề đầu tư công, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu: Theo báo cáo của Chính phủ thì giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể. Ước giải ngân đến hết tháng 9/2023 đạt 51,38% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn thấp. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng vẫn còn cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Ông Mai nhấn mạnh, đầu tư công được xem là một nguồn lực quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch hiện nay. “Hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước còn cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lẫng phí nguồn vốn nhà nước” - ông Mai chỉ rõ.

Bên cạnh những nguyên nhân mà báo cáo của Chính phủ đã nêu, ông Mai cho rằng có một nguyên nhân khác là việc giao vốn một số chương trình mục tiêu còn chậm nên các địa phương, bộ ngành không kịp triển khai. Do vậy, cần khắc phục triệt để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.

“Như vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đến tháng 5/2022 mới bắt đầu giao thì không thể thực hiện được. Ở Đắk Nông, chúng tôi triển khai rất khó khăn” - ông Mai cho biết. Về tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, vị đại biểu đoàn Đắk Nông cũng cho rằng, hiện nay các địa phương đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền thì các địa phương ban hành văn bản thực hiện.

Song theo ông Mai, đến nay một số bộ, ngành trung ương có thẩm quyền chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng các văn bản theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, giải ngân vốn của các địa phương.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Mai đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện để địa phương căn cứ triển khai bảo đảm đúng thời gian, tiến độ và đúng quy định của pháp luật, và đây cũng là góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên), đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hiện nay kết quả mới thể hiện lũy kế giải ngân vốn đầu tư được phân bổ cho địa phương năm 2022, 2023 là 166.231,586 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa rõ kết quả thực tế tại địa phương đã sử dụng chưa.

Tăng lương phải thực chất

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong năm 2024 điểm nhấn chính là vấn đề tăng lương. Thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đưa ra đề án cải cách tiền lương và sẽ trình Quốc hội thông qua. Theo đề án, lương của cán bộ công chức và các lực lượng liên quan sẽ tăng từ ngày 1/7/2024.

Tuy nhiên, theo bà Mai, cần lưu ý vấn đề kiềm chế lạm phát trong bối cảnh tăng lương. Bởi mỗi lần điều chỉnh lương sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát, giá cả tăng cao. “Nếu tăng lương không kèm theo các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương cũng không được đảm bảo” - bà Mai nói đồng thời đề nghị, tăng lương cần mang tính thực chất, không cào bằng. Theo quy định của Nghị quyết 27, khi tăng lương sẽ không còn các khoản phụ cấp khác. Do đó, Chính phủ cần lưu ý vấn đề khi không còn các phụ cấp, sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập của những đối tượng này. Đi cùng với tăng lương cũng cần tinh giản biên chế để bộ máy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời điểm này là chín muồi cho việc cải cách tiền lương. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư của sự phát triển. “Ví dụ, lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất, vậy họ sống làm sao? Nên cần thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương” - ông Dung nói.

Tuy nhiên, theo ông Dung, cải cách tiền lương khu vực công nhưng phải đi đôi với cải cách tiền lương DN nhà nước. Cải cách tiền lương ở khu vực công quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở, trả lương theo vị trí việc làm, thang bảng lương. Đồng thời dứt khoát phải cải cách tiền lương DN nhà nước. Hiện nay, DN Nhà nước gặp tình trạng thua lỗ, công nhân thu nhập không có, nhưng lương của người quản lý rất cao. Người quản lý đang “ăn” bảng lương hoàn toàn khác với người lao động. Về nguyên tắc cải cách tiền lương DN này, người quản lý phải “ăn” lương cùng với người lao động, lợi nhuận cao thì lương người quản lý cao và lao động cũng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, thời gian tới cần tập trung tạo nguồn lực tài chính bền vững. “Việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương chứ không phải chỉ lo mỗi giai đoạn này. Nguồn lực trả lương cho giai đoạn này được tích lũy từ 2018 đến nay. Cho nên từ năm 2026 trở đi nếu không tính đến tăng thu, tiết kiệm chi thì rất khó khăn để tiếp tục trả lương theo chính sách tiền lương mới” - Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, kinh tế từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các giải pháp đưa ra cần cụ thể hơn thay vì chỉ bàn chung chung. Điều doanh nghiệp cần là sự tháo gỡ có thực chất và nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề là tín dụng và bất động sản thì sẽ mang lại hiệu quả cốt lõi cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ điểm nghẽn để bứt phá