Ngày 27/4, UBND TPHCM tổ chức gặp gỡ chủ tịch UBND 312 phường, xã, thị trấn để lắng nghe, ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo hiệu quả đầy trách nhiệm từ địa phương, kịp thời chia sẻ khó khăn, giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở.
Ông Vũ Huy Hoàng – Chủ tịch UBND phường 13, quận 3, TPHCM cho biết, một trong những khó khăn vướng mắc là hạ tầng công nghệ của phường chưa đáp ứng yêu cầu, người dân chưa tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến nên đa phần đến liên hệ làm thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp.
Ông Hoàng kiến nghị TPHCM xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về chuyển đổi số tại các phường trong các khung giờ phát sóng đến đông đảo người dân. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm đồng bộ kho dữ liệu dùng chung, kết nối đến các phường. Dẫn chứng hiện nay, các phường thực hiện Đề án 06, mặc dù chủ tịch UBND phường là Trưởng ban chỉ đạo về Đề án 06 ở các phường nhưng lại không thể tiếp cận được cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa nắm bắt được công việc cụ thể mà phải thông qua trưởng công an phường.
Tình hình thực tế cũng cho thấy, hạ tầng để sử dụng chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo mục tiêu chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM” và Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” năm 2022. Hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của bộ phận một cửa và các bộ phận chuyên môn của UBND phường, xã, thị trấn chưa ổn định. Đặc biệt, thường xuyên xảy ra tình trạng lỗi hệ thống không thể đăng nhập, thất lạc hồ sơ trên hệ thống phần mềm khi người dân đã hoàn thành khai báo các mẫu theo yêu cầu.
Trao đổi với chủ tịch UBND các phường, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, khó khăn chủ yếu của các phường hiện nay là việc mua sắm máy vi tính để bàn. UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp tham mưu đưa danh mục mua sắm máy vi tính để bàn ra khỏi danh mục mua sắm tập trung của thành phố và tiến hành các thủ tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện tự mua sắm, dự kiến triển khai từ tháng 6/2023.
Về công tác nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, bà Trinh nhận định đây là bài toán rất lớn của TPHCM. Theo đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số không những thiếu ở cơ sở mà còn thiếu ở cấp sở ngành, quận huyện. Qua khảo sát, một quận, huyện, sở, ngành chỉ có 1-3 nhân lực phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin và trong đó đã có 1 vị trí kiêm nhiệm là do phó văn phòng cấp sở hoặc UBND quận, huyện phụ trách.
Liên quan đến chuyển đổi số, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố sẽ triển khai các chương trình, đề án liên quan; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch xây dựng đô thị thông minh trong chương trình chuyển đổi số của thành phố và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước.
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo UBND phường, xã, thị trấn cho rằng, khối lượng công việc tại phường ở thành phố hiện nay rất nhiều trong khi số lượng cán bộ, công chức không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Minh Thảo - Chủ tịch xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn mong bổ sung biên chế vì xã Bà Điểm gần 100.000 dân, có khu công nghiệp Vĩnh Lộc nhưng chỉ có 36 biên chế, cán bộ làm việc rất căng thẳng, vất vả.
Hiện tại, thành phố có 117/312 phường, xã, thị trấn dân số từ 30.000 người trở lên. Cao hơn gấp 2 lần so với quy mô dân số theo tiêu chuẩn của phường thuộc quận là 15.000 dân trở lên. Đặc biệt có 6 phường, xã có số dân trên 100.000 người. Đơn cử, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức dân số 101.452 người; phường Hiệp Thành, quận 12 dân số 103.832 người; phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân dân số 124.000 người; huyện Bình Chánh có xã Bình Hưng với dân số 106.156 người... Hiện số lượng cán bộ, công chức tại 6 phường, xã nói trên cũng được giao bằng với số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên. Đó là bất cập.
Ông Phan Văn Mãi nhận định: “Vai trò chính quyền cơ sở là tuyến đầu trong tiếp xúc triển khai các chủ trương, lắng nghe giải quyết các vấn đề của người dân. Phường, xã, thị trấn là nơi đầu tiên tiếp cận các thông tin; trong đó, vai trò của chủ tịch phường, xã rất quan trọng”.
Ông Mãi đề nghị, phường, xã tiếp tục rà soát làm sao triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặc biệt chủ đề năm đạt kết quả cao nhất. “Kết quả quý 1 thấp bởi nhiều nguyên nhân, nhưng không vì thế mà quá lo lắng. Bây giờ phải tập trung hành động quyết liệt, có trọng tâm tạo ra kết quả” - Chủ tịch UBND thành phố nói đồng thời yêu cầu phải đề cao, khơi dậy tinh thần năng động sáng tạo và thúc đẩy các đề án, sáng kiến ở cơ sở.