Ngày 20/10, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị “Biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022”. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn trong quản lý về thuế, hải quan và các quản lý khác.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2020 – 2022 là giai đoạn mà tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước chịu tác động vô cùng lớn của đại dịch Covid-19 cùng với sự tác động không nhỏ từ tình hình xung đột tại một số nước, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, du lịch quốc tế suy giảm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Bộ trưởng cho hay, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế GTGT, giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm 37 loại phí, giảm tiền thuê đất.
Năm 2020, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng; Năm 2021 là khoảng 132 nghìn tỷ đồng; thì năm 2022, tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 khoảng 195 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Tài chính đã tham mưu Chính phủ đưa vào nền kinh tế 347 nghìn tỷ chủ yếu tập trung cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, an sinh xã hội…
“Một nền kinh tế mạnh là nhờ những doanh nghiệp mạnh; nền kinh tế phụ thuộc vào sức khoẻ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt thì sẽ đóng thuế đầy đủ, đồng thời cũng sẽ trả nợ ngân hàng và thanh toán bảo hiểm tốt. Còn khi doanh nghiệp khó khăn thì nền kinh tế sẽ khó khăn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn trong quản lý về thuế, hải quan và các quản lý khác. Trước mắt chú trọn hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, đề xuất các chính sách hỗ trợ tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển.
Cũng tại hội nghị “Biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020-2022”,138 doanh nghiệp, người nộp thuế được biểu dương là các đơn vị đóng thuế nhiều trong giai đoạn khó khăn đã đuọc vinh danh. Trong đó, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020-2022 trên 56 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trên 6 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam trên 22 nghìn tỷ đồng, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa trên 374 tỷ đồng, Công ty TNHH Shopee trên 930 tỷ đồng, Công ty TNHH GRAB trên 1.690 tỷ đồng, Công ty cổ phần VINPEARL trên 1 nghìn tỷ đồng…
Theo ông Pawalit Ua – Amornwant, Phó Tổng Giám đốc Công ty phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Đồng Nai, thời gian qua, ngành Thuế đã áp dụng nhiều công nghệ, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ddể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Ông Trương Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Vigracera Tiên Sơn cũng cho rằng, ngành Thuế đã thưc hiện nhiều chính sách về giãn, giảm thuế. Nhờ đó đã giúp cho DN vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn cũng như trung hạn và dài hạn để DN sớm ổn định và phát triển.
Theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, thông điệp “doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách. Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, có thể khẳng định Nhà nước đã đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.
Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, thu thuế nội địa luôn đạt và vượt dự toán, thu năm sau cao hơn năm trước, quy mô thu ngân sách nhà nước không ngừng gia tăng, nếu như năm 2020 số thu ngành Thuế quản lý là 1 triệu 278 nghìn tỷ đồng, năm 2021 tăng lên 1 triệu 338 nghìn tỷ, thì đến năm 2022 đã đạt 1 triệu 515 nghìn tỷ.