Việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý là điều vô cùng cần thiết ở thời điểm hiện tại để phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công.
Sáng 22/12, Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hội thảo “Dự thảo Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam” nhằm góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phòng chống tham nhũng trong đấu thầu y tế.
Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai phi dự án hợp tác với UNDP tại Việt Nam “Hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024”.
Tại hội thảo, Báo cáo kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công cho thấy, hiện nay trang thiết bị y tế được ngành Y tế đầu tư mua sắm đồng bộ, hiện đại đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, thúc đẩy triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nâng cao uy tín thương hiệu cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời đáp ứng đầy đủ thuốc chữa bệnh phục vụ cho các cơ sở khám chữa bệnh cũng được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được của ngành Y tế, việc mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế, chủ yếu xảy ra trong mua sắm, đấu thầu y tế công và thuốc chữa bệnh.
Tình hình tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực y tế công ở Việt Nam có diễn biến phức tạp; các vụ với quy mô lớn, nhỏ diễn ra trên phạm vi cả nước trong các lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư y tế. Những tồn tại, hạn chế này đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Những bất cập của khung pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực này. Vì vậy, "việc tổ chức nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu y tế công là hết sức cần thiết và mang tính thời sự trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam”, Viện trưởng Nguyễn Quốc Văn khẳng định.
Cũng theo Viện trưởng Viện Chiến lược & Khoa học thanh tra, ngoài việc gia tăng các biện pháp kiểm soát từ phía Nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý các hành vi thì việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả phòng ngừa trong lĩnh vực này, thông qua hoàn thiện thể chế, chính sách đã và đang được Đảng, Chính phủ và các ngành, các cấp hết sức quan tâm.
"Bên cạnh mục đích phát hiện và xử lý sai phạm, thì nhận diện những lỗ hổng của chính sách, pháp luật, nhận diện những bất cập trong quản lý Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan luôn là mục đích được thượng tôn ở vị trí số 1 công tác thanh tra", ông Văn cho biết.
Tại hội thảo, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP Patrick Haverman cho biết, các quy trình mua sắm, đấu thầu y tế công trên khắp thế giới là “mảnh đất” rất dễ xảy ra tham nhũng với số tiền lớn và có nhiều bên liên quan tham dự.
Theo ước tính, có khoảng 6% chi tiêu y tế công toàn cầu, tức hơn 500 tỷ USD, bị thất thoát do tham nhũng hằng năm. Điều này làm suy yếu niềm tin của người dân vào ngành y tế, dẫn đến việc người dân chậm hoặc không được tiếp cận với chăm sóc y tế và cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của 140.000 trẻ em trên toàn cầu mỗi năm.
“Việt Nam đã nhận thức được sự cần thiết giải quyết các thách thức về tham nhũng trong hệ thống y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu y tế công. Vì vậy, Luật đấu thầu năm 2023 đã được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. UNDP có thể hỗ trợ các cơ quan chính phủ trong cải cách đấu thầu công, xây dựng năng lực và đặc biệt nhấn mạnh vào số hóa để có thể đạt được hiệu quả và minh bạch”, ông Patrick Haverman cho biết.
Ông Patrick Haverman thông tin thêm, phía UNDP hỗ trợ Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia trong việc xây dựng các quy trình số hóa.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị nhằm cải thiện công tác mua sắm, đấu thầu y tế công ở Việt Nam ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn.