Giám sát - Phản biện

Tháo gỡ pháp lý cho mua nhà đất “giấy tay”

LÊ ANH 29/11/2023 07:21

Dù có quy hoạch đô thị từ rất sớm, thế nhưng đến nay TPHCM vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng giao dịch nhà đất bằng “giấy tờ tay”. Việc rối rắm trong giải quyết pháp lý đã khiến nhiều thập kỷ qua người dân mua nhà phải chịu nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt, cũng như các quyền lợi về y tế, giáo dục, đăng ký thường trú…

anh-bai-duoi(2).jpg
Nhiều hộ dân khu dân cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và Rạch Miễu (quận Phú Nhuận, TPHCM) phải sống trong vùng chồng lấn ranh, quy hoạch treo gần 30 năm. Ảnh: Đình Vân.

Liên quan đến sự phức tạp trong giải quyết giấy tờ nhà đất “viết tay”, ông Lê Tiến Sang - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập cho biết, ông từng là người trong cuộc cũng như phải làm việc với luật sư để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng giấy tay khi mua nhà ở hoặc đất phân lô bán nền tại các dự án. Theo ông Sang, giấy tờ “viết tay” không có giá trị về mặt pháp lý, cũng không được bảo vệ về mặt quy định pháp luật hiện hành, nên khi xảy ra tranh chấp thì đa số người mua chịu rủi ro thiệt hại về tài sản, thậm chí có thể mất trắng tài sản. Bởi vì theo quy định, mọi giao dịch dân sự thì phải công chứng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan để đảm bảo tính hợp pháp. Giao dịch tự thỏa thuận hai bên chỉ để xem xét khi xảy ra tranh chấp chứ không phải là căn cứ về mặt pháp lý để thực hiện các giao dịch được pháp luật công nhận.

“Tôi đã từng chứng kiến và tham gia vào quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục pháp lý cho một số trường hợp như vậy và quá trình giải quyết kéo dài, gây mệt mỏi cho các bên đương sự ngay cả khi đã đưa nhau ra tòa” - ông Sang cho biết.

Còn theo ông Phạm Duy Hàn - Phó Trưởng Phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, Văn phòng UBND TP đã thông báo truyền đạt kết luận của ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hồ sơ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng “giấy tay” (gọi tắt là GCN). Theo đó, UBND TPHCM giao Sở TNMT phối hợp với với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức lập kế hoạch kê khai, rà soát tùy theo đặc điểm tình hình từng địa phương để giải quyết dứt điểm. Trong đó, việc cấp GCN chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về đất đai. Ngoài ra, UBND từng địa phương phải chủ động rà soát về quy hoạch, đảm bảo quy định hạn mức tách thửa cũng như cơ sở hạ tầng theo quy định.

Theo hướng dẫn của Sở TNMT, sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, bao gồm các trường hợp nhà đất mua bán nhà đất “giấy tay”, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được yêu cầu phân loại các dạng hồ sơ, xác định thời gian thực hiện, từ đó xây dựng cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị sở, ngành trong việc xử lý các vấn đề có liên quan. Đồng thời, các điều kiện về cơ sở hạ tầng và quy hoạch cần phải được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ pháp lý cho mua nhà đất “giấy tay”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO