Tháo gỡ tình trạng thiếu hụt vaccine

THANH GIANG (thực hiện) 19/05/2023 09:02

Như tin đã đưa, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, đã hết 2 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Dự báo, sắp tới có nhiều loại vaccine khác cũng thiếu nếu không được cung ứng sớm.

Tiêm vaccine cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức), sáng 18/5.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh – Thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia và PGS.TS BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế Công cộng Đại học Y dược TPHCM về vấn đề này.

PV: Thưa các ông, tình trạng thiếu vaccine trong chương trình TCMR như hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng và sức khỏe trẻ em như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh: Vaccine 5 trong 1 trong chương trình TCMR có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B – nếu không tiêm đủ liều sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B. Cụ thể, nếu bỏ thời gian dài không tiêm đủ 3-4 mũi sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh quay lại. Bởi vì, muốn phòng bệnh viêm gan siêu vi B tốt phải tiêm đều mấy chục năm mới giảm tỷ lệ mắc viêm gan siêu vi B được.

Còn vaccine bạch hầu – uốn ván – ho gà không tiêm đủ thì miễn dịch ở trẻ em không có. Theo đó, không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây từ người lớn. Những bệnh này thường rất nặng. Còn vi khuẩn HiB trẻ đã được tiêm từ lâu nên không phải là gánh nặng, có thể tiêm bù sau.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Vaccine tiêm chậm trong một thời gian ngắn sẽ không tốt nhưng cũng không quá nguy hiểm. Nhưng phải giải quyết tích cực tình trạng thiếu vaccine. Vaccine TCMR ngoài ý nghĩa bảo vệ cá nhân còn bảo vệ cộng đồng vì những bệnh như bạch hầu, sởi,... có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng. Với cộng đồng, nếu chậm tiêm phòng bệnh, tiêm không đầy đủ sẽ có nguy cơ tạo vùng bùng phát dịch.

Nhìn chung, nếu tiêm chủng trễ sẽ ảnh hưởng đến một số trẻ có nguy cơ, mặc dù số này không nhiều, song để lâu dần sẽ làm cho miễn dịch cộng đồng giảm xuống và có nguy cơ bùng phát dịch gây nguy hiểm cho nhiều trẻ nhỏ khác. Ngoài ra, việc thiếu vaccine sẽ khiến người dân quên hoặc lơ là trong phòng bệnh cho trẻ. Vì vậy, vấn đề thiếu vaccine cần giải quyết sớm, không để ảnh hưởng đến thành quả của chương trình TCMR.

Có thông tin Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine trong chương trình TCMR, thuốc Vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi... mà đề nghị giao cho UBND tỉnh, thành phố tự đấu thầu mua vaccine trong chương trình TCMR. Các ông có ý kiến gì về phương án này?

BS Trương Hữu Khanh: Theo tôi, Bộ Y tế mua là hợp lý nhất, rồi chuyển xuống địa phương, ngành y tế địa phương tiêm theo danh sách của Bộ.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Trừ trường hợp nhu cầu đa dạng mới giao cho tuyến cơ sở, địa phương đấu thầu, mua sắm. Vaccine cho trẻ nhỏ của cả nước như nhau, đặc biệt là chương trình quốc gia cần có sự thống nhất. Tôi cho rằng, việc đấu thầu tập trung có lợi hơn giao cho địa phương, nhất là giao trong thời điểm thiếu vaccine và rất gấp rút.

Nếu giao cho các tỉnh, thành tự đấu thầu để mua vaccine trong chương trình TCMR, theo các ông cần làm gì để phương án này đạt hiệu quả?

BS Trương Hữu Khanh: Trường hợp đưa ngân sách về để địa phương tự mua cũng phụ thuộc vào việc cho địa phương đấu thầu như thế nào giúp việc mua sắm đạt hiệu quả. Theo tôi, đấu thầu nhiều nơi sẽ có sự chênh lệch giá và khó khăn hơn nữa.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: Về nguyên tắc, mua số lượng lớn như vaccine nên mua tập trung với quy mô lớn nhất càng hiệu quả. Đấu thầu hiệu quả, cung ứng hiệu quả, chất lượng cũng đảm bảo tốt. Còn mỗi nơi mua một chỗ nhà thầu khó cung cấp.

Đấu thấu phải có giá này giá kia, trừ khi thông thầu mới cùng một giá. Tỉnh này mua với giá thấp hơn tỉnh kia một chút sẽ bị đặt vấn đề cùng nhiều câu hỏi về chất lượng vaccine. Khi kiểm tra, cơ quan thanh tra lại không để ý đến chất lượng vaccine mà lại hỏi tại sao giá cao, tại sao không lấy hãng này mà lấy hãng kia, sẽ rắc rối.

Trân trọng cảm ơn các ông!

Mua sắm, cung ứng kịp thời vaccine tiêm chủng mở rộng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng kết luận: Việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị Lao từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là một tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua. Bộ Y tế với vai trò là cơ quan tiếp nhận viện trợ, điều phối cung cấp vaccine, vitamin A... trong thời gian tới tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỷ trọng lớn, vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm. Trên tinh thần đó, Bộ cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 12/2/2023; sau khi đấu thầu tập trung thành công, xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế về Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5/2023; trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xử lý vấn đề về giá, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm mua sắm, cung ứng kịp thời các vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/5.

M.K

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ tình trạng thiếu hụt vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO