Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024 diễn ra vào chiều ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn. Ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: ngành Tài chính tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2024, dự toán thu NSNN được Quốc hội giao cho ngành Tài chính là 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%.
Nói về việc triển khai nhiệm vụ thu NSNN, Bộ trưởng lưu ý ngành Tài chính tập trung các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách và tập trung vào các ngành, lĩnh vực còn dư địa. Theo đó, tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử, kết nối liên thông dữ liệu dân cư trong hoạt động tài chính, tăng thu qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời tiếp tục triển khai quay hóa đơn điện tử may mắn, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…
Một số lĩnh vực thu tiềm năng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc đến như thu từ chuyển nhượng bất động sản một giá, chống gian lận hoàn thuế, chống phát hành hóa đơn giả, tập trung thu từ sàn giao dịch thương mại điện tử…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế không chỉ trông chờ vào các chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp mà cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như, tháo gỡ về thủ tục pháp lý, tín dụng, nguồn vốn… cho doanh nghiệp.
Đồng thời phải tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế để tăng tổng cầu, thúc đẩy phát triển, như tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư…
“Ngành Tài chính sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, cùng với các đồng chí tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc theo đúng pháp luật, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước” - người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá năm qua, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, trong đó, có 10 điểm sáng nổi bật.
Đó là, ngành Tài chính đã quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả. Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
“Thu NSNN đến ngày 27/12 thu đạt 1.7450 nghìn tỷ đồng, đạt 104,92% dự toán, dự kiến hết năm thu NSNN vượt xấp xỉ 10% trong bối cảnh tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra. Đây là sự nỗ lực rất lớn cả ngành Tài chính và các bộ, ngành, địa phương” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 80% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả. Kết quả quản lý nợ công là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khoá nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung, được người đứng đầu ngành Tài chính nhắc đến.
Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP.
Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ (TPCP) khoảng 12,4-12,5 năm, đảm bảo mục tiêu từ 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Lãi suất phát hành TPCP được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất phát hành bình quân cả danh mục TPCP dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với mức năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng.
Cũng theo Bộ trưởng, điểm sáng là thành công trong điều hành của Bộ Tài chính năm qua đó là công tác chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh; tín nhiệm quốc gia tăng trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới bị đánh tụt hạng. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã nỗ lực và ghi nhiều dấu ấn trong công tác hoàn thiện pháp luật và giảm nhiều khoản phí, lệ phí khi thực hiện điều hành dịch vụ công trực tuyến. Đây là một trong những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của ngành Tài chính.
Theo đó, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ Tài chính là khá nặng nề (thường chiếm khoảng 1/4 - 1/3 khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ). Trong đó có nhiều nội dung phức tạp, song Bộ Tài chính luôn bảo đảm tiến độ hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình công tác góp phần tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu; kiểm soát lạm phát, quản lý bội chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; phát hiện, bắt giữ thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy với số lượng lớn; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế sâu sắc, toàn diện trong lĩnh vực tài chính; công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, hiệu quả…