Thao thức Hội An

Thế Anh 11/04/2023 06:29

Cuối cùng thì Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng đã chính thức yêu cầu UBND thành phố này chưa thu phí mới khi vào tham quan tại đây. Thành ủy yêu cầu UBND thành phố Hội An phải thông qua ý kiến của người dân, các doanh nghiệp, các đơn vị cá nhân có liên quan. Trước đó, UBND thành phố Hội An dự định thu phí với tất cả mọi người vào vùng lõi di tích (vùng 1), bắt đầu từ ngày 15/5/2023.

Từ năm 2012 tới nay, theo quy chế thu phí vào cùng lõi phố cổ Hội An (khu vực 1), giá vé 120.000 đồng đối với khách quốc tế, 80.000 đồng dành cho khách nội địa và không thu phí người dân vào ngắm phố, đi dạo, làm việc, thăm thân… Đối tượng thu phí chủ yếu là khách đoàn, du lịch lữ hành. Tuy nhiên, theo phương án “Tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An” do UBND thành phố Hội An mới ban hành ngày 27/3, thì bắt đầu từ ngày 15/5/2023, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An đều phải mua vé.

Ngay sau khi UBND thành phố Hội An ban hành phương án thu phí mới, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự không đồng tình, cho dù sau đó lãnh đạo thành phố giải thích bằng nhiều cách. Nhiều người cho rằng, Hội An không chỉ riêng của Hội An, cũng không riêng của Quảng Nam mà là của chung Việt Nam (chưa nói đó là Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận từ ngày 4/12/1999). Do đó bất cứ điều gì liên quan đến Phố cổ Hội An cũng cần phải hết sức cẩn trọng.

Về chủ trương “siết” thu phí tham quan du khách của UBND thành phố Hội An, nhiều người cho rằng không nên chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài.

Đáng nói là du khách đến Hội An không chỉ tham quan những kiến trúc cổ mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ như ăn uống, lưu trú, đi thuyền, mua sắm… Trong đó có cả những người chọn nghỉ dưỡng ở vùng ven khu phố cổ, hàng ngày chỉ có nhu cầu vào trung tâm Hội An để thưởng thức đặc sản địa phương hay mua sắm. Không lẽ chỉ vì một tô cao lầu mà lần nào vào cũng phải mua vé tham quan? Nhiều ý kiến lại cho rằng không chỉ Việt Nam mà là cả thế giới đang nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, Hội An không “khuyến mãi” để hút khách thì thôi, sao lại giăng thêm “dây” bằng những khoản phí? Quan trọng hơn phải là hãy cứ mở cửa đón khách để họ được chìm trong một không gian cổ tích, được ngắm những món Phố Hội... từ đó sẽ sẵn lòng chi tiêu.

Thực ra thì với nhiều người, Hội An hấp dẫn không chỉ đến để nhìn ngắm những kiến trúc cổ mà là đến đó để được đắm mình trong một không gian nhiều hoài niệm, được đi lại trên những con đường nhỏ như len giữa những ngôi nhà mái ngói lô xô, ngắm những con thuyền mong manh lững lờ trôi trên sông Hoài như chở đi những ký ức, những hoài niệm và cả những ước nguyện... Nhưng nếu như những barie phân luồng được dựng lên thì không khác gì những sợi dây bó thắt cảm xúc con người.

Lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, của báo chí, sau khi Thành ủy Hội An chỉ thị tạm dừng việc thu phí mới, UBND thành phố Hội An cho biết kể từ ngày 10/4 sẽ dành cả tuần để gặp gỡ, đối thoại với bà con, chủ nhân trong di tích trong khu phố cổ. Tiếp đó, từ ngày 15 đến ngày 30/4, sẽ họp với các đơn vị lữ hành và tổ chức họp báo trong quãng thời gian từ ngày 1/5 đến ngày15/5 để công bố phương án trước khi thực hiện.

Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, thời gian qua báo chí phản ánh nhiều người dân Hội An lo ngại nếu chính quyền thành phố vội vàng triển khai thu phí tham quan phố cổ đối với tất cả du khách, họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán vì lượng khách vào phố cổ sẽ giảm mạnh. Người dân cũng ngạc nhiên trước việc thành phố dự định sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ. Việc bố trí 2 lối đi riêng gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối dành cho du khách là không khả thi. Một cư dân phố cổ nói: “Nhà tôi nằm trên con đường này, bây giờ chẳng lẽ phân luồng là bắt tôi đi đường khác sao? Nếu thế thì hết sức vô lý. Trong khu phố cổ này có rất nhiều hộ dân sinh sống, họ có quyền đi lại tự do chứ làm sao bắt họ đi đường khác, đi đường khác là đường nào?”.

Chính người dân Phố Hội đã phản ứng, nói gì đến du khách, đến doanh nghiệp du lịch.

Được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã khó, để duy trì được danh hiệu này cũng rất khó, đặc biệt di sản có đặc thù là “quần thể di tích sống” như Hội An. Vùng lõi của khu phố cổ Hội An là khu vực 1 - khu vực bảo vệ nguyên trạng theo công ước của UNESCO với tổng cộng 1.107 di tích kiến trúc. Trong đó có 932 di tích (84,18%) sở hữu tư nhân và tập thể, 175 (15,80%) di tích sở hữu nhà nước. Đây là khu vực cần được bảo vệ chặt chẽ, nhưng không phải chỉ nhìn vào số tiền thu được từ việc bán vé tất cả mọi người, mà còn phải nhiều cách khác, thân thiện hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thao thức Hội An