Đề án “Cánh rừng mẫu lớn” hơn 459 ha tại xã Quy Kỳ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đến nay đã đổ bể. Các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các đơn vị đã được tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, những vấn đề về giao rừng, chăm sóc, quản lý và khai thác rừng vẫn khiến người dân nơi đây thấp thỏm không yên.
Đề án “Cánh rừng mẫu lớn” tại xã Quy Kỳ được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quyết định từ tháng 9/2013. Đề án được xây dựng với yêu cầu phải được triển khai, hoàn thiện trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2020. Khu vực thực hiện đề án nằm trên địa bàn các thôn Khuân Câm, Đăng Mò, Khuổi Tát của xã Quy Kỳ với gần 70 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án được quy hoạch thực hiện với tổng diện tích là 459,6ha rừng. Nguồn gốc phần diện tích rừng này được xác định thuộc Lâm trường Định Hóa quản lý (từ năm 1986) rồi sau đó được chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ Định Hóa (năm 2005) và từ năm 2010 lại được chuyển đổi đơn vị quản lý thành Ban quản lý rừng ATK Định Hóa.
Theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa thì phần diện tích rừng này được quy hoạch là rừng sản xuất từ thời điểm được giao cho Lâm trường Định Hóa và đến nay vẫn thuộc quy hoạch là rừng sản xuất.. Quá trình quản lý, sử dụng được xác định ranh giới rõ ràng, không có tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân địa phương. Tuy nhiên, một số nhỏ diện tích đã được người dân sử dụng trồng chè, cây ăn quả và làm nhà ở từ trước nhưng được cơ quan chức năng chấp nhận cho sử dụng.
Theo mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện đề án “Cánh rừng mẫu lớn” nhằm chuyển đổi phương thức và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh rừng, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng xuất, chất lượng rừng trồng; kết hợp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và du lịch sinh thái; giá trị sản xuất được tính toán khoa học trên cơ sở từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm…
Quá trình hình thành đề án được chia ra thành 4 dự án thành phần. Trong đó, xác định các loại cây trồng rừng bản địa là: giổi xanh, lim xanh, chò chỉ, trám trắng, dẻ, sấu... Thâm canh rừng trồng sản xuất lựa chọn các loại cây: keo, mỡ, bạch đàn, sa mộc... và lâm sản phụ trồng dưới tán rừng như: sả, sa nhân, ba kích, mây nếp, gừng, đinh lăng, giảo cổ lam... Sau đó, tỉnh Thái Nguyên lại ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh đề án với tất cả 4 dự án thành phần đều trồng 1 loại cây quế với mật độ 5.000 cây/ha để phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu sẽ được xây dựng…
Đến nay, các dự án thành phần đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Hợp tác xã Lâm Nghiệp với diện tích 151,58ha và Công ty TNHH Vũ Hoa với diện tích 98,21ha đã được tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định thu hồi với lý do không thực hiện đúng tiến trình và tiến độ.
2 dự án thành phần còn lại cùng được giao cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển rừng Việt Bắc (Cty Việt Bắc) có địa chỉ tại tổ 10, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay một trong hai dự dán của công ty này cũng bị thu hồi vì không thực hiện được.
Dự án duy nhất trong đề án “Cánh rừng mẫu lớn” tỉnh Thái Nguyên phê duyệt (năm 2015) cho Cty Việt Bắc thực hiện trồng cây quế với diện tích 190,92ha nhưng đến nay công ty này cũng mới trồng được 32,9ha bởi quá trình, quy trình thực hiện gặp những vướng mắc, không nhận được sự đồng thuận của người dân, đã xảy ra nhiều tranh chấp, nhiều căng thẳng với người dân.
Ông Dương Sơn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh Thái Nguyên đã chấm dứt thực hiện các dự án trong đề án “Cánh rừng mẫu lớn”. Các dự án thành phần khác trong đề án chưa thực hiện được đã được thu hồi. Riêng dự án của Cty Việt Bắc với diện tích hơn 190ha là được cho thuê đất, nộp tiền 1 lần. Cty Việt Bắc mới thực hiện trồng cây quế được 32,9ha sau đó vướng mắc, tranh chấp với người dân và không thực hiện tiếp được. Đến nay Cty Việt Bắc cũng đã đề nghị trả lại phần diện tích còn lại và đề nghị được giữ lại phần diện tích đã trồng (32,9ha).
Cũng theo ông Hà, hiện nay tại khu vực này chưa có hộ dân nào được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Thực hiện chính sách phát triển rừng, cơ quan chức năng đang lập quy hoạch và nếu được duyệt sẽ định hướng là rừng phòng hộ… rồi giao khoán cho người dân. Hiện nay, theo những kiến nghị và đề xuất đã được giải quyết thì người dân đang được hưởng 100% sản phẩm khi thu hoạch.
Lý giải về những vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án “cánh rừng mẫu lớn”, ông Trần Minh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho rằng dự án được thực hiện đúng theo quy trình. Thủ tục cho thuê đất do ngành Tài nguyên môi trường thực hiện và thực hiện đúng quy trình. Ngành lâm nghiệp tỉnh thực hiện quản lý và trồng rừng theo các chương trình của Chính phủ về rừng trước đây như dự án 327, dự án 661, dự án PAM. Tuy nhiên, xảy ra những tranh chấp của người dân là vì trước đây có nhiều phần diện tích dù thuộc quản lý của nhà nước nhưng người dân tự ý trồng…
Người dân nơi đây mong muốn được giao đất, giao rừng để giữ rừng, sống gắn kết với rừng… và được thuận lợi khi thực hiện khai thác đúng quy định trên chính những khoảnh rừng do chính họ trồng và chăm sóc.
Ông Hoàng Văn Thụ (SN 1964, xóm Khuân Câm) đề nghị người dân được giao đất, giao rừng bởi bản thân họ đã trồng, chăm sóc và gắn bó với những khoảnh rừng từ bao năm nay. Đề nghị tỉnh giao lại phần diện tích rừng còn lại hơn 160ha (trong tổng diện tích hơn 190ha) đã giao cho Cty Việt Bắc trước đó cho người dân. Cùng đó đề nghị làm rõ số lượng lâm sản trên phần diện tích 32,9 ha rừng mà Cty Việt Bắc khi khai thác để trồng cây quế được sử dụng ra sao bởi đây là tài sản mà người dân chăm sóc, quản lý, có quyền lợi thụ hưởng.
Trao đổi với PV về những ý kiến phản ánh của người dân trong việc thực hiện quy trình xử lý số lượng lâm sản được khai thác trên diện tích 32,9ha khi Cty Việt Bắc khai thác để trồng cây quế được thực hiện ra sao, ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng ban kiêm Hạt trưởng BQL rừng ATK Định Hóa cho biết chưa nắm được thông tin, sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại hồ sơ và sẽ sớm có phản hồi lại.