Sức mua thấp nên chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm, siêu thị phải tăng cường khuyến mãi để hút khách. Không ít người cho rằng, năm 2025, sức mua tiếp tục duy trì ở mức thấp do người tiêu dùng tiết kiệm hơn.
Chợ vắng khách, siêu thị giảm giá
Tại TP Hồ Chí Minh, sau Tết, chợ truyền thống tiếp tục rơi vào cảnh ế ẩm, không ít tiểu thương phải chia tay quầy hàng bao năm gắn bó. Ngay cả “chợ nhà giàu” như chợ Tân Định (quận 1) vốn dĩ sầm uất, nhộn nhịp bao nhiêu thì nay lượng khách thưa thớt bấy nhiêu. Một số tiểu thương của các cửa hàng giày dép, quần áo cho biết, chợ vắng đến nỗi người mua hàng không chạm mặt nhau. Do quen với tình trạng này nên tiểu thương cứ ra chợ là lướt điện thoại. Thậm chí, vắng khách đến nỗi, lướt điện thoại chán rồi nằm ngủ, tới giờ thì đóng cửa sạp ra về. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) hàng chục quầy hàng thịt heo đóng cửa, chỉ còn lại chưa đến 5 sạp mở nhưng lượng bán không nhiều. Bà Dương Mai chỉ vào những quầy đã đóng cửa rồi phân trần: “Giá thịt tăng cao trong khi sức mua yếu, vì vậy mà buôn bán èo uột. Sức mua yếu, mở ra bán không thấy có động lực gì, chỉ muốn đóng cửa đi về cho khỏe. Trong chợ có gần 20 chục quầy thịt heo mà đóng cửa nghỉ gần hết”.
Để giảm tình trạng vắng khách, nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm giá, khuyến mãi hàng loạt mặt hàng. Điển hình, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi. Cụ thể, từ ngày 13/3 đến 26/3, triển khai chương trình “Dinh dưỡng vàng - Hàng ngàn deal ngon” trên 800 điểm bán của hệ thống. Saigon Co.op chọn ra hơn 1.000 sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, bao gồm: sữa, nước yến, bánh protein; mật ong, nước mắm truyền thống, dầu ăn đậu nành tốt cho sức khỏe… được khuyến mãi khá sâu. Tương tự, hệ thống WinMart/WinMart+/WiN áp dụng chính sách giảm giá 50%, mua 1 tặng 1, đồng thời giảm giá cố định 20% cho hội viên với sản phẩm rau sạch WinEco, thịt mát MEATDeli. Trong khi đó, hệ thống Bách Hóa Xanh cũng có nhiều mặt hàng giảm giá. Đặc biệt, ở thời điểm cuối ngày, mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả được giảm 40%.
Bán lẻ đối diện nhiều khó khăn
Nhận định về sức mua hiện nay trên thị trường tiêu dùng, ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (Huba) cho rằng, một thực tế đáng buồn là nhiều chợ truyền thống không chịu thay đổi, cơ sở hạ tầng đang ngày càng xập xệ, chật chội, cũ kỹ và lâm cảnh đìu hiu... Ông Hưng cho biết, doanh thu của các chợ thời gian qua ngày càng suy giảm và chỉ còn tập trung vào các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Các tiểu thương đóng sạp, bỏ chợ ngày càng nhiều. “Các chợ dường như đã không đủ nguồn lực để tự phục hồi, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Thành phố cần có kế hoạch tu bổ, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các chợ nhằm tăng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, đa dạng hóa mô hình kinh doanh hàng hóa, tăng lựa chọn cho người dân” - ông Hưng nói.
Ông Ralf Matthaes - Giám đốc Điều hành IFM Research (đơn vị cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường) cho rằng, bước vào năm 2025, người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với giá cả, ưu tiên săn khuyến mãi và tìm kiến những lựa chọn mua sắm tiết kiệm hơn. Theo đó, người tiêu dùng có tâm lý thận trọng, thể hiện qua chỉ số niềm tin tiêu dùng duy trì ở mức 54%. Hơn nữa, 41% người tiêu dùng cho thấy khả năng tiết kiệm suy giảm. Các doanh nghiệp nội địa phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm chiến lược mới để duy trì thị phần. Ngoài ra, thiếu hụt nguyên liệu, tăng chi phí vận chuyển, các vấn đề về logistics do ảnh hưởng căng thẳng quốc tế gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng... làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà bán lẻ, dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng doanh thu cũng như việc duy trì sức mua.
Tăng sức mua cho bán lẻ
Bàn về giải pháp tăng sức mạnh cho thương mại dịch vụ và bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, hiện nay, thương mại dịch vụ và bán lẻ đóng góp khoảng 55 - 60% vào GRDP của cả nước, riêng TP Hồ Chí Minh con số này lên tới trên 65%. Theo ông Đức, trong cơ cấu tăng trưởng chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để lĩnh vực này phát huy hết tiềm năng, ông đề xuất 3 nhóm giải pháp: giải pháp nền tảng, giải pháp thúc đẩy và giải pháp tiên phong. Trong đó, quan trọng nhất là khôi phục và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Trước đây, Việt Nam từng là quốc gia có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao nhất Đông Nam Á nhưng hiện nay vị thế này đã không còn. Niềm tin của người tiêu dùng gắn liền với vấn đề thu nhập, chi tiêu và khả năng đảm bảo nhu cầu cơ bản.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng năm 2025 đạt khoảng 12%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Bộ Công thương xác định 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần được triển khai đồng bộ. Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực tăng trưởng mới. Theo đó, tăng cường triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh phong trào tiêu dùng sản phẩm nội địa trên các kênh bán lẻ. Tăng các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến tiêu dùng tại các đô thị lớn và khu vực có tiềm năng tiêu thụ cao... Thứ hai, đảm bảo nguồn cung ổn định, tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Thứ ba, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh thương mại điện tử và mô hình bán lẻ đa kênh. Cải tạo và nâng cấp hạ tầng thương mại truyền thống, kết hợp với các mô hình bán lẻ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ truyền thống. Thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu, bảo đảm ổn định thị trường. Tăng cường liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm khâu trung gian, giúp giá cả hợp lý hơn và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm Việt.