Nhiều năm qua, Bến xe phía Bắc Hải Phòng (huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động bến xe này lại là một trong những tiêu chí làm cơ sở thành lập TP Thủy Nguyên trực thuộc TP Hải Phòng trong tương lai.
Bến xe hiện đại thành bãi chứa phế liệu
Bến xe phía Bắc Hải Phòng nằm tại khu vực nút giao Quốc lộ 10 với Tỉnh lộ 359C, nằm trên địa bàn xã Kênh Giang và Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Đây là vị trí đắc địa khi nằm trên trục đường nối các tỉnh thành khu vực phía Bắc gồm: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương - Thái Bình – Nam Định. Bến xe được chia thành 2 khu vực: Khu 1 tại xã Kênh Giang với diện tích trên 1,7ha; Khu 2 tại xã Hòa Bình với diện tích trên 2,9ha.
Với mục đích giảm tải cho các bến xe tại khu vực nội thành và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương, Hải Phòng chấp thuận dự án xây dựng Bến xe phía Bắc Hải Phòng do Công ty CP Tập đoàn Việt Úc (trụ sở chính tại huyện Thuỷ Nguyên) là chủ đầu tư và quản lý bến xe. Đây là bến xe đạt chuẩn loại 1 trong quy hoạch bến xe của Hải Phòng đến năm 2020, được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Tháng 5/2013, Công ty CP Tập đoàn Việt Úc tổ chức khánh thành giai đoạn 1 dự án là khu vực đón trả hành khách và bắt đầu đi vào hoạt động. Công ty dự kiến tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2 của dự án là khu vực đón trả hàng hóa, khu văn phòng cho thuê…
Để vận hành bến xe này theo tiêu chuẩn, Công ty CP Tập đoàn Việt Úc đã cử cán bộ, công nhân lao động đi tập huấn, học tập kinh nghiệm điều hành, quản lý bến, quản lý tuyến tại một số bến xe lớn tại TPHCM. Theo định hướng của doanh nghiệp (DN), việc điều hành, quản lý tại bến xe sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối với các khu vực khác nhanh chóng, thuận tiện.
Theo giới thiệu ban đầu, nhiều nhà xe chất lượng cao đăng ký vận chuyển hành khách 2 chiều từ bến đến 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo của đơn vị kinh doanh bến xe, sau 10 năm đi vào hoạt động, đến năm 2023, Bến xe phía bắc Hải Phòng chỉ có một tuyến đi Bến xe Bản Phủ (tỉnh Điện Biên) do Công ty TNHH du lịch và vận tải Long Giang khai thác, tần suất 30 chuyến/1 tháng với 2 đầu xe chạy. Hàng ngày, Ban quản lý bến xe vẫn ký lệnh vận chuyển xuất bến cho xe chạy. Việc bán vé được nhà xe triển khai đến hành khách, bến xe không nhận ủy thác.
Đến nay, thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng cho thấy DN chỉ đăng ký 2 tuyến nội tỉnh với tần suất 2 tuyến/ngày, 3 tuyến đi Điện Biên, Lào Cai, Quảng Trị với tần suất 1 tuyến/ngày. Ghi nhận trên thực tế cho thấy lượng xe khách đến và đi tại bến xe rất ít.
Khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông của bến trở thành nơi tập kết sắt, thép phế liệu của Công ty CP Tập đoàn Việt Úc. Hiện, công ty chỉ thuê một nhân viên làm bảo vệ.
Liệu có “lột xác” được không?
Vậy vì sao một bến xe hiện đại, được đầu tư nhiều tỷ đồng với cách bài trí khoa học, đầy đủ trạm sạc điện, nhà bảo vệ, khu nhà chờ… tại vị trí đắc địa lại bị “thất sủng”?
Tại các báo cáo gửi cơ quan chức năng, DN kinh doanh bến xe đã lý giải nguyên nhân dẫn đến việc Bến xe phía Bắc Hải Phòng “vắng vẻ”, “thưa khách”. Trước tiên, bến xe nằm sát đường Quốc lộ 10, do đó, người dân có thói quen ra đầu đường là bắt được xe. Ngoài ra, việc xuất hiện loại hình xe Limousine đón, trả khách tận nhà đã làm thay đổi nhu cầu di chuyển của người dân. Do đó, dù Ban quản lý bến xe đã nỗ lực, cố gắng tạo mọi điều kiện cho các nhà xe nhưng bến vẫn rất ít khách ra vào.
Mặc dù bến xe hiện đại, đồng bộ bậc nhất thành phố cảng rơi vào trình trạng “chết yểu” nhưng có một nghịch lý rằng, việc duy trì hoạt động bến xe này là một trong những tiêu chí đô thị loại 3 của huyện Thuỷ Nguyên làm cơ sở thành lập TP Thủy Nguyên trực thuộc TP Hải Phòng trong tương lai.
Trao đổi với PV, lãnh đạo phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thuỷ Nguyên cho biết: Theo Quyết định số 408 ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đến năm 2045, quy mô Bến xe phía Bắc Hải Phòng có diện tích 1,8ha.
Theo quy định, DN xây dựng bến xe được miễn thuế đất. Dù được ưu đãi như trên nhưng đại diện DN thừa nhận “thiệt hại” khá nhiều vì bỏ tiền tỷ để đầu tư, xây dựng bến xe nhưng kinh doanh thua lỗ do hoạt động cầm chừng.
Trước câu hỏi và định hướng phát triển bến xe trong tương lai, DN im lặng. Chưa biết, trong tương lai, Bến xe phía Bắc Hải Phòng có “lột xác” sau khi Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng hay không. Tuy nhiên, nhiều người dân nhìn thấy trước mắt là việc duy trì bến xe gây lãng phí tài nguyên đất.