Không chỉ dành thời gian soạn bài, chấm bài, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhiều giáo viên còn chủ động xây dựng các video bài giảng để gửi đến học trò nhằm tăng cường giao lưu giữa thầy và trò, đồng thời qua đó giúp học sinh (HS) hiểu bài hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc học trực tuyến đã tiến hành từ năm học trước nên ở năm học này, hoàn toàn không bỡ ngỡ. Tuy nhiên, thấu hiểu những hạn chế của việc học trực tuyến là nếu thầy cô giảng nhanh, học trò ít có thời gian hỏi lại, trao đổi lại như trên lớp nên có thể kiến thức sẽ trôi đi, cô Hiền quyết định tìm hiểu việc xây dựng các video để hướng dẫn học sinh tiếp thu bài hiệu quả hơn. Ban đầu, cô tự quay bằng điện thoại, sau đó sử dụng các phần mềm để cắt ghép lại, lồng vào video các hình ảnh, clip ngắn để HS hứng thú hơn với bài giảng. Sau này, cô thực hiện quay tại phòng kỹ thuật của trường với sự trợ giúp của các đồng nghiệp để âm thanh, hình ảnh đều rõ ràng, sắc nét hơn.
Sưu tầm đến hàng trăm trò chơi trực tuyến ngắn để thầy trò cùng khởi động giờ học trực tuyến, cô giáo Thu Hà (Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho biết mỗi bộ môn có những ứng dụng riêng phù hợp. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, giờ học trực tuyến nếu kéo dài quá lâu sẽ khó thu hút được sự tập trung của học sinh. Thêm đường truyền mạng đôi lúc không đảm bảo, các yếu tố khác ảnh hưởng nên thời lượng học thực chất của một giờ học trực tuyến không được như giờ học trực tiếp trên trường. Một trong những giải pháp đó là giáo viên thực hiện các video hướng dẫn HS thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết các nội dung khác nhau trong thực tiễn. Cách làm này khiến giờ học không bị kéo dài lê thê, học sinh có thể chủ động xem lại các nội dung còn chưa hiểu khi học ở lớp, tự tin nắm vững kiến thức và bứt phá trong năm học này.
Linh hoạt, sáng tạo trong dạy và học để dù đến trường học trực tiếp hay gặp nhau qua màn hình máy tính, máy điện thoại thì mục tiêu cao nhất vẫn là học trò tiếp thu được bài học, biết vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiến đặt ra. Trong đó, những video bài giảng do các thầy cô tự thiết kế, dàn dựng có thể chưa chuyên nghiệp, thậm chí còn những tạp âm, tiếng ồn nhưng đó là những video hàm chứa nhiều kiến thức và đong đầy tình cảm, yêu thương dành cho trò, với mong muốn các trò học được tốt hơn trong thời gian “đặc biệt”.