Giáo dục

Thay đổi dạy và học đáp ứng yêu cầu mới

Thu Hương 15/08/2024 08:46

Việc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội thay đổi trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực, đặt ra yêu cầu về đổi mới dạy và học để phù hợp với chương trình mới.

anh-thay-12.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2024. Ảnh: nhandan.vn.

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố đề thi tham khảo bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) thứ hai... Đề tham khảo được thiết kế phục vụ đối tượng dự thi là học sinh theo học chương trình THPT mới tham dự các đợt thi tổ chức từ năm 2025.

Theo đó, cấu trúc đề thi gồm 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học – ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA. Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh. Thời gian làm bài cho phần thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi Khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.

Đặc biệt từ năm 2025, bên cạnh phần thi Khoa học, năm nay cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngôn ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển.

Từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng và kết quả thi đánh giá năng lực do các ĐH tổ chức nói chung những năm qua có thể thấy, đang có một khoảng cách nhất định với kết quả học phổ thông. Trong đó, có tình trạng học sinh giỏi nhưng kết quả thi đánh giá năng lực lại không giỏi.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng việc so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT hay kết quả học tập ở học bạ và điểm thi đánh giá năng lực là không hợp lý vì mục tiêu đánh giá khác nhau. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực đánh giá thí sinh toàn diện hơn như khả năng viết, ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu. Đặc biệt là khả năng tổng hợp nên kỳ thi này sẽ cho thông số đánh giá được năng lực, khả năng để học ĐH của mỗi thí sinh. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá hoàn thành kiến thức, năng lực phổ thông.

Tuy nhiên, theo cấu trúc đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực của các trường ĐH công bố có thể thấy, các câu hỏi cũng nằm trong nội dung chương trình học phổ thông với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Kiến thức không xa lạ nhưng cách hỏi, cách đặt vấn đề bao quát hơn đòi hỏi thí sinh không chỉ vận dụng kiến thức của một môn học duy nhất để trả lời mà phải kết hợp nhiều môn học để giải quyết.

Với việc lựa chọn tổ hợp môn học vào lớp 10 hiện nay, học sinh không học dàn trải tất cả các môn mà chỉ định hướng tập trung học những môn sau này sẽ xét tuyển ĐH theo tổ hợp 3 môn. Điều này dẫn đến việc học lệch và kết quả bài thi đánh giá năng lực không như kỳ vọng của nhiều thí sinh và gia đình.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, không chỉ để đáp ứng kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH tổ chức mà để thực sự đạt được mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là học để làm, việc dạy và học trong các trường phổ thông cần tiếp tục thay đổi theo hướng thực học, thực nghiệp. Dù sau này làm bất cứ công việc gì, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng thì những năng lực tổng hợp như xử lý số liệu, về tư duy, về logic hay là về ngôn ngữ, về hành văn… cũng đều rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của mỗi cá nhân.

Theo ông Khuyến, ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình học cần chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, và kỹ năng giao tiếp cho học sinh.

Đổi mới dạy và học là một quá trình cần thiết và quan trọng để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp học sinh phát triển toàn diện, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi dạy và học đáp ứng yêu cầu mới