Thay đổi để hòa nhập

Thanh Đức 03/10/2023 06:27

Ngày 2/10, đại diện Pulse9 - Công ty AI (trí tuệ nhân tạo) của Hàn Quốc khẳng định, bất chấp các mối lo ngại họ vẫn đang nỗ lực tạo ra các "công dân AI". Trong khi đó, Nhật Bản dự kiến chi 1,35 tỷ USD cho các chương trình đào tạo đối với lao động cao tuổi nhằm thích ứng với thay đổi công nghệ. Như vậy, AI dường như đã có hướng mở để tiến lên phía trước.

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế.

Hướng tới “công dân ảo toàn cầu”

Hiện, Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực AI. Những nhân vật ảo được tạo ra bằng AI không chỉ chiếm ưu thế trong nền âm nhạc của Hàn Quốc mà còn "lấn sân" sang các lĩnh vực khác, từ sinh viên đại học, thực tập tại các công ty lớn đến bán hàng trên sóng truyền hình.

Zaein là một trong số những thành quả như vậy ở Hàn Quốc. Với khuôn mặt được tạo ra bằng deepfake (công nghệ tạo ra các hình ảnh, video giả dựa trên khuôn mẫu có thật và tỷ lệ cơ thể khớp với người thực), Zaein có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau như ca hát, đọc bản tin thời sự và giới thiệu sản phẩm trên sóng truyền hình. Dựa trên công nghệ deepfake, Zaein được tạo nên từ việc tổng hợp đặc điểm ngoại hình của nhiều nhân vật thực ngoài đời, đó là những nhân vật tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, giải trí và truyền thông.

“Điều này khiến Zaein trở nên rất đặc biệt” - Giám đốc điều hành Pulse9, bà Park Ji-eun nói và cho biết thêm Pulse9 đã tạo ra những "công dân AI toàn cầu" và đang hướng tới doanh thu 527 tỷ USD vào năm 2030.

“Đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu nhưng Pulse9 tin rằng “người ảo” sẽ được đón nhận một cách tích cực hơn khi có thể thực hiện phần lớn hoạt động của người thật. Lúc đó “người thật” có thời gian để hưởng thụ cuộc sống cũng như suy nghĩ, khám phá những điều quan trọng khác. Những công dân ảo toàn cầu không chỉ đảm nhiệm vai trò là thần tượng của công chúng mà còn là đồng nghiệp và bạn bè của con người, giúp cho cuộc sống phong phú hơn. Tất nhiên là chúng ta phải áp dụng những quy định quản lý AI không đi chệch hướng” - bà Park Ji-eun nói.

“Dũng cảm” tiếp thu công nghệ mới

Trong khi đó, nói trên kênh truyền hình CNN, Chủ tịch tập đoàn Microsoft Brad Smith cho rằng cần khuyến khích các công ty công nghệ làm điều đúng đắn, cùng với việc tạo ra các quy định và chính sách mới nhằm đảm bảo an toàn trong mọi tình huống. Ông Brad Smith cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng AI sẽ thay thế nhiều thành phần trong lực lượng lao động và đề cao khía cạnh với những lợi ích vượt trội AI sẽ giúp con người suy nghĩ nhanh và thông minh hơn, chứ không phải là lười biếng hơn.

Đáng chú ý, mới đây Bộ Lao động Nhật Bản cho biết sẽ phối hợp với các công ty để đào tạo lập trình viên, kỹ sư phần mềm trong nhóm người lao động trung niên để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ. Theo tờ Nikkei Asia, Nhật Bản cần gấp rút đào tạo người lao động ở độ tuổi 50 để họ không bị lạc hậu với thế giới công nghệ AI.

Tất nhiên, người lớn tuổi sẽ gặp khó khăn hơn khi tham gia các lĩnh vực công nghệ mới. Nhưng đó là việc cần thiết để có thể hòa nhập cuộc sống một cách hài hòa. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida coi lĩnh vực kỹ thuật số là một ưu tiên kinh tế khi Bộ Lao động nước này yêu cầu 200 tỷ yên (khoảng 1,35 tỷ USD) cho các chương trình đào tạo đối với lao động cao tuổi, trong năm tài khóa 2024.

Một số liệu chính thức của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, số người trong độ tuổi 45 đến 64 muốn chuyển việc hoặc đảm nhận một công việc khác đã tăng 27% so với năm 2022, tính tới thời điểm đầu tháng 10/2023. Có nghĩa là nhiều lao động lớn tuổi ý thức được cần phải thay đổi để hòa nhập.

Tuy nhiên, làm được điều đó không dễ. Nói như ông Hidenobu Nakahata - Giám đốc nhân sự Tập đoàn Hitachi thì “cung cấp các cơ hội học tập để đáp ứng sự thay đổi là cần thiết nhưng còn quan trọng hơn là phải thay đổi suy nghĩ của nhân viên lớn tuổi để họ không bối rối trước thực tế mà phải dũng cảm tiếp thu công nghệ mới”.

Theo ông James Cleverly - Ngoại trưởng Anh, AI sẽ thay đổi cơ bản mọi khía cạnh của cuộc sống con người. AI có thể giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy các nền kinh tế. "Chúng ta cần khẩn trương định hình việc quản trị toàn cầu đối với các công nghệ biến đổi vì AI không có biên giới" - ông James Cleverly nói. Tuy nhiên công nghệ AI cũng cần được kiểm soát khi đã và đang thúc đẩy thông tin sai lệch. Còn theo ông Stefano Scarpetta - Giám đốc phụ trách việc làm, lao động và xã hội của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì cần phải tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động gặt hái lợi ích của AI trong khi thích nghi với công nghệ này, đặc biệt là thông qua đào tạo và đối thoại xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi để hòa nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO