(DDK) – Trong 2 ngày 23 và 24-9, tại Hà Nội, Bộ tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, tổ chức hội thảo quốc tế “Truyền thông và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) hướng tới COP21” cho trên 40 phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương trên cả nước.
Ông Đỗ Nam Thắng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT)
phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo thông tin từ hội thảo, mực nước biển dâng trên toàn thế giới tăng 1m - đó là mức cao nhất trong phạm vi dự kiến, nhưng rất có thể trong vòng một thế kỷ sẽ gây ra ngập lụt kinh ngạc lên đến 12% phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Không ít hơn 23% dân số quốc gia phải chịu ngập lụt lâu dài. Ở mức dân số hiện tại là khoảng 21 triệu người. Nếu nước biển dâng 1 mét, sẽ làm ngập 40% khu vực ĐBSCL, 11% đồng bằng sông Hồng và 3% các tỉnh ven biển khác. Thậm chí nước sông, nước ngầm của những khu vực lớn hơn sẽ bị xâm nhập mặn; nguy cơ lốc xoáy ngày càng tăng. Vùng đồng bằng và ven biển là vùng đất có giá trị nhất của Việt Nam. Đó là những nơi mà hầu hết mọi người sinh sống, nơi hầu hết các loại cây trồng được canh tác. Khu vực ĐBSCL nước biển dâng, xâm nhập mặn vào các nguồn nước cung cấp cho việc tưới tiêu có thể phá huỷ phần lớn các quy trình sản xuất. Ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc cung cấp thực phẩm trong nước và hoạt động trồng lúa cũng như xuất khẩu lúa gạo trên khắp thế giới…
Phát biểu tại hội thảo, ông Fred Pearce, một nhà báo nổi tiếng của Vương quốc Anh, chuyên nghiên cứu về BĐKH cho rằng: Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi BĐKH. Trong các loại thiên tai, bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 6-7 cơn bão. Từ năm 1999-2010 đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông của Việt Nam. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các hình thái thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế của Việt Nam…
Theo ông Đỗ Nam Thắng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT): Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện tầm nhìn lớn của Quốc gia khi Chính phủ đặt quan điểm, giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH là một động lực chính cho sự phát triển bền vững. Trong khi đó, việc thay đổi nhận thức về BĐKH ở tất cả các cấp độ của người Việt Nam có khả năng giúp đất nước giảm thiểu tác động do BĐKH gây ra. Tuy nhiên, “Sự thay đổi khí hậu và COPs” vẫn còn là khái niệm mới và không nhiều phóng viên địa phương có hiểu biết thực sự cơ bản về các khái niệm này…