Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, nhằm khắc phục bất cập về phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục. Việc sửa đổi được đánh giá là cần thiết và tiến bộ.
Một trong những nội dung được quan tâm thời gian qua là việc sửa đổi quy định về văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể, bằng tốt nghiệp THCS hiện do Trưởng phòng GDĐT cấp, nay được đề xuất thay bằng Giấy chứng nhận học sinh đã hoàn thành trình độ THCS do Hiệu trưởng cấp. Quy định này thực chất là bỏ cấp trung gian là phòng giáo dục quận, huyện. Mặt khác bản thân cấp huyện, quận cũng không tồn tại khi chính quyền cơ sở chỉ có hai cấp.
Đối với bằng tốt nghiệp THPT, Giám đốc Sở GDĐT không cấp mà chuyển cho Hiệu trưởng trường THPT cấp. Quy định này đảm bảo phân cấp triệt để trong quản lý giáo dục ở các địa phương. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận hay cấp bằng, nên để các cơ sở giáo dục trực tiếp cấp, mà không nên để Phòng Giáo dục hay Sở GDĐT là nơi không trực tiếp giáo dục học sinh thì không nên để các tổ chức gián tiếp này cấp.
Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao cho Hiệu trưởng trường THPT cấp có tác động tích cực cả trước mắt và lâu dài. Tư duy coi bằng cấp là thước đo giá trị cần được thay đổi, vì bằng cấp chỉ xác nhận hoàn thành giai đoạn học tập, là giấy thông hành để tiếp tục học lên THPT hoặc trung học nghề. Do đó, việc giao cho Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS, đồng thời bỏ cấp trung gian phòng giáo dục quận, huyện, là phù hợp và hợp lý.
Lý do quan trọng nữa là dạy thêm, học thêm cũng vì đó mà giảm, giảm bớt áp lực phải lo học thi, tổ chức thi để cố lấy được bằng tốt nghiệp. Cuối cùng là góp phần hỗ trợ cho địa phương thực hiện mục tiêu phổ cập THCS thuận lợi hơn. Việc phân cấp và thay đổi văn bằng, chứng chỉ này sẽ không làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, quyền lợi và cơ hội của người học. Đây là quan điểm hiện đại.
Một sự thay đổi nữa về phân cấp, phân quyền, mở rộng quyền tự quyết là giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định tài liệu giáo dục địa phương và được phép đưa vào giảng dạy trong các trường. Nội dung tài liệu giáo dục địa phương chỉ có người địa phương mới hiểu sâu sắc về lịch sử, địa lý, văn hóa, truyền thống của tỉnh, thành phố mình. Những ai không là người địa phương sẽ không am hiểu tường tận và có được trải nghiệm dài lâu dài được. Nếu không phân cấp, rất dễ dẫn đến tình trạng quan liêu, gây phiền hà với cấp phê duyệt và ít trách nhiệm với cấp biên soạn và sử dụng tài liệu khi giảng dạy.
Cùng đó, việc bỏ tổ chức Hội đồng trường đối với các cấp học giáo dục công như mầm non và phổ thông là thay đổi tư duy “không quản được thì cấm” và đổi mới đã không chọn lọc. Hệ thống trường học tư, dân lập hoạt động như một doanh nghiệp nên phải có Hội đồng trường để quyết định và điều hành nhà trường. Trường học công là được chi phối điều chỉnh bởi Luật Giáo dục và văn bản dưới Luật, nên hai hệ thống trường học này rất khác nhau về bản chất.
Ngoài ra, cấp học giáo dục nghề nghiệp, trong Luật Giáo dục hiện hành đã được xác định là một trong 4 cấp học giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nay tiếp tục sửa đổi tên bậc học Trung cấp thành bậc Trung học nghề và bậc Cao đẳng thành bậc Cao đẳng nghề.
Dẫu thế, còn nhiều vấn đề vẫn ngổn ngang, cần có tư duy khoa học và làm việc nghiêm túc để chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng và toàn diện với cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực GDĐT. Để các hoạt động hợp tác, đầu tư cho giáo dục, có hiệu quả, cần một hành lang pháp lý đủ mạnh, đổi mới, đúng luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.