Với sự bùng nổ của các gameshow truyền hình, trong những năm qua các chương trình về đề tài ẩm thực đang tạo ra những hiệu ứng, trở thành những “cánh tay nối dài” giúp khán giả có cơ hội trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực truyền thống đặc trưng của các vùng miền thông qua màn ảnh nhỏ.
Những cuộc phiêu lưu ẩm thực
Cùng với hàng loạt chương trình truyền hình thực tế, gameshow truyền hình về đề tài âm nhạc, người mẫu… thời gian qua câu chuyện văn hoá ẩm thực đang trở thành “món ăn” hấp dẫn trên nhiều kênh sóng truyền hình. Với slogan “Ăn không chỉ để no, ăn còn lo cho sức khỏe”, chương trình “Thiên đường ẩm thực” ngay từ khi phát sóng luôn dẫn đầu về tỷ lệ khán giả, đặc biệt là giới trẻ, với hàng loạt clip triệu view. Đây cũng là chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực có “tuổi thọ” lâu đời nhất hiện nay.
Còn với “Thực khách vui vẻ” lại mang đang đến cho khán giả truyền hình những cuộc hành trình khám phá ẩm thực đầy thú vị của 2 nghệ sĩ qua khắp các địa điểm ăn uống. Theo chân người chơi, khán giả sẽ được khám phá từ những món ăn đường phố cho đến những món ăn độc lạ và cách thức làm ra chúng ở các địa phương. Từ đây, những địa điểm du lịch kỳ thú sẽ được gợi ý...
“Bản sao hoàn hảo” thì mang đến cho người xem những hình ảnh sôi động của một Việt Nam thời đại mới, con người thân thiện và hiếu khách, ẩm thực Việt Nam tươi ngon và tinh tế. Tham gia chương trình, các nghệ sĩ được trải nghiệm, khám phá bí ẩn đằng sau những món ăn bình dị, giản đơn nhưng ngon nức lòng thực khách với nhiều phong cách ẩm thực đặc sắc ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Khán giả cũng sẽ “bỏ túi” thêm nhiều quán ăn ngon, nhiều công thức chế biến món ăn hấp dẫn cho gia đình. Lấy chủ đề du lịch - ẩm thực, mỗi nơi chương trình “Ẩm thực kỳ thú” với hành trình đi qua Hà Nội, Sa Pa, Lai Châu, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết... lại giúp khán giả khám phá nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực ở các vùng miền của đất nước.
Mới đây nhất, Đài truyền hình Việt Nam cũng đã cho ra mắt gameshow “Của ngon vật lạ” đưa khán giả tham gia vào “cuộc phiêu lưu văn hóa” khám phá những món ngon quen tên, nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ của tất cả các tỉnh thành Việt Nam.
Có thể nói, vẫn sử dụng “công thức” cũ có sự tham gia của những nghệ sĩ nổi tiếng, các trải nghiệm, trò chơi đặc trưng cùng địa phương… song nét mới là phương thức thể hiện, đặc biệt là tạo sự tò mò cho người xem về những điểm mới lạ của các món ăn vùng miền... các chương trình gameshow được nâng tầm thông qua những câu chuyện đầy tính nhân văn. Ngay cả khi các trò chơi chủ đề thi tài năng hay đậm chất hài hước chiếm vị trí áp đảo trên các khung “giờ vàng”, thì các gameshow khai thác đề tài ẩm thực vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi tập.
Ở khía cạnh nội dung và cách thức thể hiện, nhiều trò chơi truyền hình về đề tài ẩm thực thể hiện rõ rằng, các chương trình không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn khuyến khích, tạo một thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, có lợi cho sức khỏe cho người xem. Thậm chí, thông qua các chương trình, khách mời, nhiều khán giả bỗng dưng thay đổi thói quen, thích vào bếp chế biến các món ăn... Từ đây, văn hóa ẩm thực được tôn vinh thông qua những câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa của các món ăn.
Đồng hành cùng chương trình truyền hình về văn hoá, ẩm thực “Hành trình kỳ thú”, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Meta - Khôi Lê bày tỏ, ẩm thực và du lịch luôn nằm trong nhóm những nội dung được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên cả hai nền tảng Facebook và Instagram. Với chương trình “Hành trình kỳ thú” là cơ hội đặc biệt cho các nhà sáng tạo hợp tác, sản xuất nội dung và khám phá những trải nghiệm đặc sắc chỉ có tại Việt Nam, từ đó quảng bá về văn hóa và đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế theo một cách mới.
Tìm cách giữ chân khán giả
Từ lâu, ẩm thực đã được xem là một trong những “chìa khóa” quảng bá văn hóa hiệu quả được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Và đây cũng là xu thế mà chúng ta đang tiếp cận khá mạnh mẽ. Với các chương trình thực tế, gameshow về ẩm thực ngoài lợi thế là cung cấp cho khán giả những công thức cần thiết trong việc ăn uống hàng ngày, còn là những trải nghiệm với các điểm đến là những danh lam thắng cảnh, văn hóa của nhiều địa phương... Đây cũng là cơ hội để quảng bá những vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của du lịch Việt Nam đến với công chúng và rộng hơn nữa, ra thế giới khi các chương trình này được phát sóng trên nhiều nền tảng mạng xã hộị.
Tuy nhiên, để ẩm thực Việt Nam được lan toả “bền vững” trên các gameshow truyền hình hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngoài vấn đề kinh phí, để sản xuất được một gameshow về ẩm thực thành công hỏi rất nhiều yếu tố về điều kiện ngoại cảnh như thời gian, địa hình... Đội ngũ sản xuất phải tính toán chi tiết để cân đối giữa 3 yếu tố là giải trí, thị hiếu khán giả và quảng bá văn hóa.
Trên thực tế, khán giả Việt Nam đã từng ngao ngán sau vụ rapper Hieuthuhai bị lột sạch đồ trong “2 ngày 1 đêm”. Hay, dù thường xuyên giới thiệu nét đặc sắc ẩm thực từng vùng miền, nhưng các bữa ăn tại “Hành trình rực rỡ” lại dùng quá nhiều sản phẩm ăn liền. Bên cạnh đó, các chương trình thực tế về ẩm thực hiện nay vẫn đang dựa vào tên tuổi nghệ sĩ là chính.
Chưa hết, hiện các gameshow về ẩm thực hiện cũng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh giữa các chương trình trên sóng truyền hình, đặc biệt trên các nền tảng số. Điều này buộc các đơn vị sản xuất phải nỗ lực giữ chân khán giả bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả việc lạm dụng scandal. Thực tế này không mới. Cách đây 10 năm, khi gameshow và truyền hình thực tế bùng nổ, tình trạng sử dụng chiêu trò, thậm chí cả việc chơi xấu và hạ bệ đối thủ đã xảy ra. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất còn có thêm công cụ hỗ trợ đắc lực đó là các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần những clip ngắn có độ dài trên dưới 1 phút phát trên Facebook Reels, Youtube Short, TikTok… với những phát ngôn, tranh cãi gay gắt nhất, cũng có thể trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Và chiêu này đã và đang được nhiều nhà sản xuất tận dụng tối đa gây ra những phản ứng không mấy thiện cảm ở khán giả.