Thấy gì từ vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan

Văn Thanh 10/04/2023 19:35

Theo chuyên gia, trước khi ký hợp đồng, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng, xác định nhu cầu bảo vệ, khả năng tài chính của mình để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất, đúng mục đích; không nên mua bảo hiểm chỉ vì cả nể người tư vấn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo

Liên quan đến vụ lùm xùm bảo hiểm của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) đang gây xôn xao dư luận, ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI (Công ty MVI), đơn vị ký kết hợp đồng bảo hiểm với nữ diễn viên, yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm; việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.

Bên cạnh đó, Công ty MVI phải tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng yêu cầu đại lý tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm.

Trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty cần xem xét trách nhiệm của đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị công ty chủ động làm việc, giải quyết khiếu nại của khách hàng và có phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn, báo chí về vụ việc.

Công văn cũng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính trong ngày 11/4/2023.

Không mua bảo hiểm chỉ vì "cả nể"

Trên thực tế, trường hợp của diễn viên Ngọc Lan không phải là hiếm gặp. Không ít khách hàng mua bảo hiểm nhưng không đọc kỹ hợp đồng vì nội dung hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, thậm chí lên đến hàng trăm trang, hoặc đọc nhưng không hiểu hết những thuật ngữ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Cũng có trường hợp khách hàng ký vì tin tưởng những lời tư vấn "có cánh" của các tư vấn viên về những ưu đãi nhận được. Cho đến khi ký hợp đồng, khách hàng mới vỡ lẽ ra vì trong đó còn nhiều điều khoản phụ, các khoản chi phí phát sinh...

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng, để tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi tham gia bảo hiểm, khách hàng cần đọc và hiểu rõ hợp đồng, nhất là các điều khoản liên quan quyền, lợi ích và thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

"Khi mua bảo hiểm nhân thọ, yếu tố cần quan tâm trước tiên là yếu tố bảo vệ, sau đó mới tới các yếu tố khác như tiết kiệm hoặc đầu tư. Người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng, xác định nhu cầu bảo vệ, khả năng tài chính của mình để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất với đúng mục đích của mình.

Thứ hai là người mua cần xem xét các điều khoản hợp đồng, đặc biệt liên quan đến các nội dung như quyền lợi bảo hiểm, quyền nghĩa vụ của người mua bảo hiểm, các điểm loại trừ bảo hiểm, bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm… nếu còn thắc mắc cần phải hỏi ngay người tư vấn, không được mua bảo hiểm chỉ vì “cả nể” khi còn chưa rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm.

Thứ ba, cần đọc và tự mình kê khai trung thực các câu hỏi trong giấy yêu cầu bảo hiểm, kiểm tra kĩ thông tin khi kí hợp đồng bảo hiểm để tránh mơ hồ hay nhẫm lẫn giữa những sản phẩm bảo hiểm (có trường hợp người mua đã phản ánh là bị nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng). Lưu ý mỗi sản phẩm bảo hiểm có quy tắc riêng, không như sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng muốn rút lúc nào thì rút", ông Dũng cho biết.

Cũng theo Phó Tổng thư ký IAV, các quy tắc bảo hiểm nhân thọ theo quy định thường có điểu khoản về thời gian cân nhắc 21 ngày. Trong vòng 21 ngày kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm phát hành và gửi hợp đồng cho người mua bảo hiểm, người mua có quyền huỷ hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hoàn lại số tiền phí bảo hiểm đã đóng (trừ đi một số chi phí phát sinh hợp lý doanh nghiệp bảo hiểm đã phải chi trả, ví dụ chi phí khám tổng quát sức khỏe cho khách hàng, nếu có).

Hiện tại, để tăng cường giám sát hoạt động bán bảo hiểm, Bộ Tài chính có đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh của khách hàng bảo hiểm, nếu khách hàng có bằng chứng chứng minh mình bị tư vấn sai, bị “ép” mua bảo hiểm dẫn đến ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, khách hàng cần thông báo ngay để Bộ Tài chính kiểm tra xác minh và xử lý các vi phạm của cá nhân tổ chức có liên quan, bảo vệ quyền lợi của mình.

Liên quan đến việc hoàn tiền bảo hiểm trước hạn, ông Ngô Trung Dũng cho biết trong hợp đồng quy định rõ, thông thường sau 2-3 năm hợp đồng có giá trị hoàn lại, nhưng số tiền nhận lại sẽ thấp hơn số tiền đóng ban đầu với lí do là trong 3 năm đó doanh nghiệp phải chi trả chi phí hoa hồng khai thác, vận hành hệ thống, trả lương nhân viên… Điều chắc chắn là không thể nhận lại 100% số tiền ban đầu đóng.

Trong trường hợp người mua không thể duy trì đóng phí bảo hiểm như thỏa thuận trong hợp đồng, người mua bảo hiểm có thể đàm phán với doanh nghiệp bảo hiểm các phương án như giảm số tiền bảo hiểm (theo đó phí bảo hiểm đóng định kỳ sẽ giảm), phân nhỏ kì hạn đóng phí (thay vì đóng theo 1 năm 1 lần thì có thể chọn đóng theo tháng hoặc theo quý), hoặc kéo dài thời gian đóng phí, hoặc vay từ giá trị hoàn lại để đóng phí bảo hiểm các kỳ tiếp theo… Tùy từng trường hợp cụ thể, người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cùng trao đổi để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho quyền lợi của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy gì từ vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO