Ngót nghét 60 năm qua rồi mà đến bây giờ những cảm xúc của tôi về người thầy đầu tiên - người dạy vỡ lòng vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, nhất là mỗi khi về quê, gặp lại thầy.
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet).
Nhà thầy ngay sát nhà tôi. Ngoài giờ ở trên lớp ra, tôi vẫn gọi thầy là chú bởi thầy vẫn xưng hô với tôi như vậy đã đành mà tôi chả thấy chú khác gì một ông chú tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người, trong đó có mẹ con tôi. Thêm nữa, chú vẫn đi tát nước, nhổ mạ, gánh phân như mọi người. Thậm chí, tôi còn thấy vợ chú-một phụ nữ to béo, hay cười, cũng tốt tính như chú, thỉnh thoảng lại mắng chú xơi xơi trước mọi người mà chú cũng chỉ cười. Mẹ tôi bảo: Chú sợ vợ. Hình như, những người tốt tính đều sợ vợ thì phải. Cái này chả có tí di truyền nào mà nó mang tính phổ quát. Không biết các ông bạn của tôi, ra đường thì oai thế nhưng về nhà có sợ các vị nội tướng của mình không.
Dạy chúng tôi vỡ lòng, chú không có lương mà Hợp tác xã tính điểm, đến mùa trả bằng thóc, hình như độ mươi thùng/vụ thì phải. Chú tôi dạy cấp 1, được trả trực tiếp được hơn 10 thùng. Tôi vẫn nhớ bà tôi, khi nhận “lương” cho chú lại dùng một thanh gỗ, gạt bằng một cái đấu bằng gỗ, mỗi lần được đúng 10kg. Bằng ấy gần đủ cho bà và chú tôi ăn từ vụ nọ sang vụ kia.
Chú dạy chúng tôi chu đáo lắm. Bàn không có, chỉ là một cái ghế băng còn lũ chúng tôi thì ngồi trên mặt đất. Bài học chú viết lên bảng. Lũ chúng tôi nhìn bảng mà học. Trong tay chú có một chiếc thước bằng gỗ lim nhưng tôi chưa thấy chú dùng thước ấy đánh đứa nào bao giờ, nhịp nhịp lên bàn và chúng tôi cứ theo hiệu lệnh của chú mà đọc. Cả lớp đọc xong, đến từng bàn. Chú cứ nhìn miệng từng đứa mà phát hiện đứa nào thuộc bài, đứa nào ăn gian.
Chỉ thế thôi mà dăm tháng sau, cả lớp chúng tôi đọc vanh vách những tin và bài ở báo Nhân dân, báo Thái Bình tiến lên chú mang đến lớp. Ngày ấy, lớp chúng tôi nay học nhờ nhà này, tháng sau lại học nhờ nhà khác. Mỗi bận chuyển chỗ học, cứ hai đứa một chiếc ghế băng, khênh chạy khắp làng. Chú cũng tự mình vác một chiếc. Người lớn thấy thế lại xúm vào giúp thầy trò chúng tôi di chuyển.
Tôi dám cam đoan rằng câu nói “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hình như chỉ thích hợp với lũ chúng tôi ngày xưa thì phải. Bây giờ, tôi thấy hình như đứa trẻ nào sáng ra đến trường cũng mếu máo. Sao thế nhỉ? Chúng không nhận thấy niềm vui trong học tập như chúng tôi ngày xưa?
Thời ấy, khổ thế mà sao học vui thế. Chữ và nghĩa, học chữ và học làm người với chúng tôi cứ tự nhiên, nhi nhiên như thế mà thành, chả cần phải vận động hô hào gì nhiều. Lớp tôi, hơn hai mươi đứa, giờ kiểm điểm lại, người còn, người mất nhưng đứa nào cũng thành những người tử tế cả. Tôi không dám nói tất cả những gì chúng tôi học được đều từ cái lớp vỡ lòng ấy. Nhưng, từ lúc học vỡ lòng, chúng tôi đã được học những gì rất căn bản để làm người có ích, làm người tử tế. Cái trong trẻo của môi trường xã hội, sự gương mẫu của người lớn khiến đám trẻ con chúng tôi cứ thế mà nhìn vào, làm theo.
Rồi lớn dần lên, những bài học về lẽ phải thông thường, đạo làm trò, làm con, làm công dân cũng theo đó mà lấp đầy những suy nghĩ và hành động như một đòi hỏi rất tự nhiên, chả cao siêu gì. Những bài học về đối nhân xử thế ấy đã đi vào chúng tôi như thế chứ không qua những lớp “kỹ năng sống” nào. Có lẽ, thời chúng tôi, chưa có cái thuật ngữ ấy, không có cả một mớ lý thuyết về nó nhưng những gì chúng tôi nhận được từ nhà trường, thầy cô, bạn bè, xã hội đủ cho hành trang chúng tôi lớn lên, vào đời.
Lúc tôi đang học dở cấp 1, chú không dạy học nữa, về lao động như mọi người. Thuở ấy, còn bé quá, tôi cũng chả để ý. Mãi sau này, có dịp hỏi chú vì sao bỏ dở việc dạy học, chú bảo: “Tôi cũng muốn đi dạy học cho nó nhàn nhưng phải cái mình ít chữ quá. Tôi mới có cái Elemente thôi, chưa đủ chuẩn. Thôi thì lúc nào xã hội cần thì mình phục vụ xã hội, lúc nào xã hội không cần nữa thì về phục vụ vợ con”.
Ngẫm nghĩ lại, mới thấy chú đúng. Và tôi lờ mờ hiểu chú giống như thầy Duysen trong truyện “Người thầy đầu tiên” của T. Aimatop mà tôi đã đọc. Vốn liếng chữ nghĩa của chú chắc cũng chỉ đủ dạy lũ chúng tôi đọc thông viết thạo nên chú mới không đủ chuẩn làm một thầy giáo bình thường. Nhưng với tôi, chú - người thầy đầu tiên, giản dị, hết lòng chỉ bảo cho chúng tôi ngày ấy, đến bây giờ vẫn là người thầy đầu tiên, đúng nghĩa một ông thầy.
Và thầy giáo vỡ lòng của chúng tôi, hôm nay còn đứng giảng bài, ngày mai đã về lao động như một người nông dân bình thường mà sao dạy cho chúng tôi được nhiều điều thế? Không được học lý thuyết gì cao siêu, không dùng cái nghề của mình để ra oai, không vị thành tích, không dùng nó để trục lợi mà coi điều đó như một trách nhiệm xã hội mà người thầy giáo phải làm. Chỉ thế thôi.
Giờ, lớn tuổi rồi, lại nhớ về những ngày xa. Ông nhà văn ơi, “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đi, đắt mấy tôi cũng mua, nếu điều đó là có thực. Ngày xưa ơi, sao mà ngươi xa xôi thế!