Từng chứng kiến cảnh người thân ra đi vì đuối nước, anh Phạm Văn Vũ ở Thanh Hóa đã xây bể bơi tại nhà để dạy bơi miễn phí cho trẻ em, học sinh và người dân nghèo quanh vùng không có điều kiện học bơi.
Cứ mỗi dịp Hè về, trẻ em thường thích tới những chỗ có nước bơi lội, chơi đùa nhưng do nhiều em chưa biết bơi và thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước nên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm nào cũng xảy ra những trường hợp trẻ bị đuối nước.
Từng chứng kiến cảnh người thân ra đi vì đuối nước, anh Phạm Văn Vũ, giáo viên dạy thể dục tại Trường Trung học Cơ sở Quý Lộc, huyện Yên Định (Thanh Hóa), quyết tâm xây bể bơi trong khuôn viên gia đình mình tại thôn Phúc Tân, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa để dạy bơi miễn phí cho trẻ em, học sinh và người dân nghèo quanh vùng không có điều kiện đi học bơi tại các cơ sở có thu phí.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng bể bơi, thầy giáo Vũ chia sẻ Cẩm Tân là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Cẩm Thủy. Những người dân trong xã đi làm, trẻ em đi học đều phải qua đò, cầu phao bắc qua sông Mã.
Hằng năm, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra do nhiều người dân không biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước còn thiếu. Em gái của anh đã ra đi vì đuối nước. Chính vì vậy, anh quyết tâm thực hiện ý tưởng này dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
Tháng 8/2017, sau khi hoàn thiện căn nhà cấp 4 tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, thầy Vũ bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây dựng bể bơi nhỏ trong khuôn viên gia đình. Từ ý tưởng đến việc bắt tay xây dựng bể bơi, thầy Vũ gặp không ít khó khăn.
Ban đầu, với suy nghĩ đơn giản đây là bể bơi gia đình, thầy Vũ dự định làm bể bơi không có mái che, không ốp lát gạch và công trình phụ trợ..... Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã phát sinh thêm nhiều hạng mục khác, khiến thầy gặp không ít khó khăn về kinh phí.
Thầy Vũ nhớ lại khi xây dựng xong bể bơi, gia đình vô cùng khó khăn về tài chính. Tiền lương hằng tháng của hai vợ chồng được gần 12 triệu đồng nhưng phải trả nợ ngân hàng hơn 18 triệu đồng. Sau hai năm xây dựng, năm 2019, bể bơi của thầy Vũ mới được chính quyền cấp phép hoạt động.
Được bạn bè tư vấn, thầy Vũ đã làm thủ tục xin chính quyền địa phương cấp phép cho bể bơi được hoạt động có thu phí. Cụ thể, ngoài việc dạy bơi miễn phí cho học sinh, trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn, bể bơi có dạy thu phí với những người có nhu cầu. Đây cũng là nơi luyện tập của các em học sinh khi tham gia các giải thi về bơi lội tại địa phương.
Sau khi bể bơi được phép hoạt động, thầy Phạm Văn Vũ liên hệ với các trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn huyện Cẩm Thủy để dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo. Nhờ sự hướng dẫn tận tình và bài bản của thầy, từ năm 2019 đến nay, hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học bơi tại các trung tâm đã được thầy Vũ dạy bơi miễn phí, được trang bị các kiến thức cơ bản để phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng.
Em Lê Đình Thế, học sinh lớp 11, Trường Trung học Phổ thông Cẩm Thủy, cho biết em là một trong nhóm học sinh đầu tiên của thầy Vũ khi bể bơi bắt đầu đi vào hoạt động. Từ một cậu bé rất sợ nước, được sự chỉ bảo tận tình, bài bản của thầy Vũ, chỉ sau ba buổi học, em đã biết bơi và xử lý được các tình huống dưới nước. Đến nay, em đã tham gia nhiều giải bơi lội cấp huyện và tỉnh, trong đó hai lần đạt huy chương vàng cấp tỉnh môn bơi lội.
Tại Trường Trung học Cơ sở Quý Lộc, huyện Yên Định, là giáo viên thể dục, thầy giáo Phạm Văn Vũ đã giúp nhà trường đạt thành tích cao khi tham gia các giải bơi lội do huyện, tỉnh tổ chức. Mới đây nhất, tại Giải bơi, lặn cứu đuối tỉnh Thanh Hóa năm 2020, đoàn học sinh của Trường tham gia và mang về 6 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.
Thầy giáo Phạm Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Quý Lộc, cho biết từ ngày thầy Vũ về Trường công tác, với vai trò là giáo viên thể dục, thầy không chỉ hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình học mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường.
Đặc biệt, thầy Vũ có vai trò quan trọng trong việc đào tạo các học sinh của Trường tham gia các giải thể thao do huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ có chuyên môn cao về bơi lội, thầy Vũ đã đào tạo được nhiều học sinh của Trường đoạt giải cao tại tất cả các giải thể thao liên quan đến môn bơi. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh trong việc phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích trong nhà trường và ngoài xã hội...
Trước thực trạng hằng năm có nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn, việc làm của thầy giáo Phạm Văn Vũ có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn này.