Nhiều người không dám để lộ ra cho mọi người biết mình làm công việc chăm sóc những người nhiễm HIV, hay làm ở những trại phong, những BV lao và bệnh phổi... Bởi trong xã hội, không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho họ.
Phơi nhiễm HIV là tai nạn nghề nghiệp mà các nhân viên y tế
luôn phải đương đầu (Nguồn: nld.com.vn).
Mấy hôm nay, các y bác sĩ trong ngành y tế cùng cộng đồng vô cùng bàng hoàng và thương tiếc điều dưỡng viên Võ Văn Đấu, công tác tại BV Tâm thần Tiền Giang. Trong khi xông vào cưỡng chế một bệnh nhân tâm thần nhập viện, anh bị bệnh nhân này tưới xăng lên người. Xăng bốc cháy làm anh bị bỏng nặng rồi qua đời. Chuyện đau lòng của anh Đấu một lần nữa lại là minh chứng về sự vất vả, hiểm nguy luôn rình rập mà những người làm chức phận thầy thuốc tận tuỵ, hết lòng vì người bệnh.
Chuyện các bác sĩ, điều dưỡng ở các cơ sở y tế xả thân cứu người bệnh từ trước đến nay không phải hiếm. Tại các BV tâm thần, hàng ngày các y, bác sĩ phải né tránh hoặc chạy trốn khi bị người bệnh tâm thần dồn đuổi đã và đang xảy ra thường xuyên. Thương vong xảy ra không ít. Áp lực nhất là về tinh thần. Tình hình nghiêm trọng đến mức có người từng đề xuất dạy võ cho các thầy thuốc ở đây để họ có thể đối phó được với các tình huống dở khóc, dở cười khi hành nghề.
Có người còn đề xuất với nhà nước tăng cường lực lượng cảnh sát bảo vệ họ cũng như phòng chống các nguy cơ do người mắc bệnh tâm thần gây ra. Trớ trêu thay một nỗi là do những người bệnh này bị tâm thần nên tất cả những hậu quả mà họ gây ra không bị coi là phạm pháp nên không bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự. Người thầy thuốc vì thế cứ âm thầm chịu đựng. Mấy ai, mấy khi biết được số phận cũng như tâm tư của họ ra sao, mà ghi nhận, chia sẻ, động viên. Có người bác sĩ khi rời BV tâm thần về nghỉ hưu trong cũng có biểu hiện lơ ngơ không khác người bệnh ở đây là mấy.
Không riêng ở đây mà tại nhiều chuyên khoa khác cũng vậy, đều có những rủi ro nghề nghiệp, những đặc thù nghiệt ngã khiến người thầy thuốc không khỏi tâm tư. Có người không dám để lộ ra cho mọi người biết mình làm công việc chăm sóc những người nhiễm HIV, hay làm ở những trại phong, những BV lao và bệnh phổi... Bởi trong xã hội, không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho họ. Có người sau khi mổ tử thi làm công tác pháp y đến cả tuần sau vẫn không thể nuốt cơm ngon miệng.
Trên thực tế, nhiều năm nay, tại các cơ sở điều trị tâm thần, phong, lao và HIV/AIDS, hay các viện pháp y, việc tuyển dụng nhân sự rất khó khăn. Tại BV Phong da liễu trung ương Quỳnh Lập, mấy năm nay đăng báo nhu cầu tuyển 7 bác sĩ, có 4 người đăng ký thì chỉ có 2 người chấp thuận đến làm việc thực sự.
Trong Nghị quyết 46, ngành y được Bộ Chính trị coi là một ngành cần được đãi ngộ đặc biệt. Các cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế 4 chuyên ngành nói trên vì thế được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi 70% mức lương chính. Tuy nhiên, hầu hết khi được hỏi, họ đều lắc đầu ngao ngán vì với thu nhập gần như thuần tuý này, không một ai có thể đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu của mình. Các y, bác sĩ, và nhân viên ở đây hầu như không thể có bất cứ nguồn thu tăng thêm nào, để cải thiện cuộc sống.
Thực tế, trong các gia đình có người mắc các chứng bệnh nói trên, hầu hết các thành viên đều có biểu hiện xa lánh, bỏ mặc trách nhiệm chăm sóc cho ngành y tế. Thậm chí có bệnh nhân sau khi được chữa chạy khỏi bệnh rồi vẫn đến đề nghị được trở lại nằm viện hay làm bất cứ việc gì để khỏi bị hắt hủi, cô đơn. Trong hoàn cảnh này, có điều kiện nộp đủ được các khoản thu dịch vụ y tế điều trị ở đây đã là khó khăn, cố gắng lắm, nói chi đến người bệnh có đủ điều kiện để trang trải thêm cho các nguồn chi theo yêu cầu bệnh viện.
Theo BS La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1 cho rằng để tránh xảy ra những việc tương tự, các đồng nghiệp của mình không được chủ quan mà cần nêu cao cảnh giác, tôn trọng, tâm lý và quan tâm hơn đến người bệnh. Và một trong những điều không thể thiếu được là họ cần được Nhà nước quan tâm đãi ngộ nhiều hơn nữa.