Một cuốn sách gồm 35 quyển nhật ký của trẻ em Xô viết trong khoảng năm 1941-1945, năm diễn ra cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại, đã được dịch ra tiếng Anh. Cuốn sách chứa đựng những cảm xúc rất thực của những đứa trẻ về sự đáng sợ của cuộc chiến chống lại Đức quốc xã.
Những đứa trẻ ở Volgograd đứng nhìn một nhà máy xay lúa mì bị tàn phá trong Thế chiến II (Nguồn: RT).
“Trong các nhật ký của người lớn, tác giả vẫn thường cố gắng xây dựng một kiểu cốt truyện kịch tính, nhưng những đứa trẻ lại viết rất thật về những gì chúng nhìn và cảm nhận được, và đó là giá trị của các tài liệu này” - chủ biên của cuốn sách, bà Tatyana Kuznetsova nói với hãng tin RT.
Trong cuốn sách này có nhật ký viết tay của một cậu bé, người từng phải sống trong một nhà tế bần, trong đó kể lại rằng rất nhiều người bạn của cậu đã bị chết đói, và bởi vậy mà những trang nhật ký này luôn chứa đầy những bức tranh vẽ tay về thức ăn ngon như “thịt đùi và thịt gà”.
Với những ký ức và cảm nhận của trẻ em từng phải trải qua chương đen tối nhất trong lịch sử thế giới, cuốn sách có tựa đề “Những đứa trẻ của chiến tranh” gồm nhật ký viết tay của trẻ em Xô viết trong khoảng 1941-1945 khi đang diễn ra trận Leningrad, trong các trại tập trung của Đức quốc xã, cũng như những bản viết tay của trẻ em phải sống tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng hoặc trên chiến trường.
“Tôi từng cảm thấy rất cô đơn, mẹ tôi lúc bấy giờ phải làm việc cực nhọc, vào những năm đó một người phải làm công việc của năm người. Vậy nên bà ấy phải làm từ sáng đến tối. Cha tôi là một quân y, sau đó ông ấy bị trục xuất tới Sakhalin, nên tôi phải sống một mình” - một trong những tác giả của cuốn sách, bà Zoya Khabarova, kể lại về nhật ký của bà viết vào thời điểm đó.
Kể về một trong số những ký ức đáng nhớ nhất của mình, bà Zoya nói rằng bà từng chứng kiến một con tàu bên trên chở hàng trăm người đang bị máy bay ném bom của Đức quốc xã tấn công.
“Ngôi nhà của chúng tôi từng nằm trên bờ sông. Một hôm tôi đang từ trường về nhà thì nhìn thấy 2 máy bay Đức quốc xã xuất hiện trên trời. Cùng lúc, một tàu của Xô viết đang ở gần đó, và 2 chiếc máy bay bắt đầu dội bom. Một trong số những quả bom đáp trúng ngay giữa tàu, khiến nó vỡ làm đôi. Chỉ trong 3 phút, nó đã chìm xuống mặt nước” - bà Zoya kể lại.
Dự án xuất bản phiên bản tiếng Anh của cuốn sách “Những đứa trẻ của chiến tranh” lần đầu tiên ra mắt vào năm ngoái, khi một cuốn sách tập hợp các cuốn nhật ký của trẻ em thời chiến được nhà xuất bản Nga Argumenti I Fakty tung ra. Ban đầu nó chỉ được in trong các tờ nhật báo một cách rời rạc và sau đó mới trở thành một dự án lớn hơn, thu hút được nhiều nhà báo ở nhiều quốc gia tìm kiếm các quyển nhật ký của trẻ em trong thời chiến. Một số quyển nhật ký được các độc giả gửi đến người chủ biên.
“Đó là lịch sử của đất nước tôi, câu chuyện về những con người đã phải sống qua những thời khắc kinh hoàng. Tất cả đều được kể lại qua giọng văn của những đứa trẻ, và chúng tôi đã quyết định nó là một tài liệu có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể mang đến cho toàn thế giới” - bà Kuznetsova nói.
Theo bà Kuznetsova, các nhà báo ở nhiều quốc gia đã tìm thấy và lần ra những câu chuyện cuộc sống của hầu hết các tác giả của số nhật ký nói trên, tuy nhiên cho hay đến nay họ vẫn chưa biết được số phận của 3 người trong số này.
Cuốn sách được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh bởi một trong những dịch giả nổi tiếng nhất, Andrew Bromfield, người từng dịch các tuyệt phẩm văn học của Leo Tolstoy, Mikhail Bulgakov và nhiều nhà văn khác của Nga. Cuốn sách được phát hành nhân kỷ niệm 71 năm ngày chiến thắng phát xít Đức.
Trước đó, phiên bản tiếng Nga của cuốn sách này đã được gửi đến nhiều tổ chức quốc tế, gồm UNICEF và UNESCO, cùng một số các thư viện trên khắp thế giới, và đã được chấp nhận với lòng biết ơn sâu sắc.
“Sau đó chúng tôi nhận ra rằng độc giả rất khó khăn khi phải đọc bằng tiếng Nga. Thế nên chúng tôi quyết địch chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Anh” - bà Kuznetsova nói.
Cuộc chiến từng diễn ra ở mặt trận phía Đông - còn được gọi là cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại ở Nga - từng chứng kiến các trận đánh lớn nhất và cũng mang tới những tổn thất lớn nhất trong cuộc xung đột quân sự đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 27 triệu người dân Xô Viết.
Trên 1 triệu trẻ em đã bị chết trên các vùng lãnh thổ mà Đức quốc xã chiếm đóng của Xô Viết. Khoảng 1,5 triệu trẻ em bị buộc phải tới Đức để làm nô lệ.