Việc phát hiện ra biến thể Covid-19 mới được nhận định là “nguy hiểm nhất” đã làm dấy lên lo ngại trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh giới chuyên ra lo ngại rằng Omicron có thể ngăn chặn sự phục hồi của thế giới sau gần hai năm đại dịch hoành hành.
Thế giới cuống cuồng trước “siêu biến thể"
Hôm 27/11, Anh, Đức và Italy đã báo cáo các trường hợp lây nhiễm của biến thể Covid-19 mới - Omicron. Ngay sau đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các biện pháp mới để ngăn chặn loại virus này, cũng như nhiều quốc gia khác áp dụng các hạn chế đi lại đối với Nam Phi.
Israel cho biết họ sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này và triển khai lại công nghệ truy vết trên điện thoại nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, hai trường hợp liên quan đến Omicron được phát hiện ở Anh có liên quan đến việc đi du lịch đến Nam Phi. Những người tiếp xúc với ca dương tính với Omicron sẽ phải tự cách ly tại nhà trong 10 ngày và chính phủ sẽ thắt chặt các quy định về việc đeo khẩu trang.
Bộ Y tế bang Bavaria của Đức cũng đã thông báo về hai ca lây nhiễm của biến thể nguy hiểm này. Bộ này cho biết, hai trường hợp trên đã nhập cảnh vào Đức tại sân bay Munich hôm 24/11, ngay trước khi Đức xác định Nam Phi là nơi biến thể Omicron đang bùng phát.
Tại Italy, Viện Y tế Quốc gia cho biết, một trường hợp đến từ Mozambique đã dương tính với biến thể mới đã được phát hiện ở Milan. Cơ quan y tế Séc cũng cho biết, họ đang tiến hành xét nghiệm một trường hợp lây nhiễm nghi là do biến thể gây ra.
“Siêu biến thể" Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là "rất đáng lo ngại", có khả năng lây lan cao hơn so với các biến thể trước đó của Covid-19, mặc dù các chuyên gia vẫn chưa biết liệu nó có gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn hay không, so với các chủng khác.
Giám đốc Y tế của Anh, Chris Witty, cho biết tại cuộc họp báo tương tự với ông Johnson rằng, vẫn còn nhiều điều mơ hồ về Omicron. Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và sau đó cũng được phát hiện ở Botswana, Israel và Hong Kông (Trung Quốc).
Hạn chế mới được ban hành
Mặc dù các nhà dịch tễ học cho biết, việc hạn chế du lịch có thể đã quá muộn để ngăn chặn Omicron “đổ bộ" trên phạm vi toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới - bao gồm Mỹ, Brazil, Canada và các nước thuộc EU - đã công bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại đối với Nam Phi vào hôm 27/11.
Hôm thứ Bảy, 27/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung các hạn chế đi lại được công bố trước đó của Washington, khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến 8 quốc gia tại nam Phi.
Cũng trong cùng ngày, Australia cho biết, sẽ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối những người không phải là công dân đã đặt chân tới một trong 9 quốc gia ở nam Phi, đồng thời yêu cầu giám sát cách ly 14 ngày đối với những người có quốc tịch nước này trở về từ đó.
Nhật Bản và Anh cho biết, họ đang mở rộng hạn chế đi lại đến nhiều quốc gia châu Phi hơn, trong khi Hàn Quốc, Sri Lanka, Thái Lan, Oman, Kuwait và Hungary đã công bố các hạn chế đi lại mới.
Hôm 28/11, Bộ Ngoại giao Nam Phi lo ngại rằng việc ban bố hạn chế sẽ ảnh hưởng đến du lịch và các lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ đang bàn bạc với các quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại nhằm thuyết phục về một hướng giải quyết khác.
Omicron đang “lăm le" tấn công nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải chiến đấu với sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19. Áo và Slovakia đã đóng cửa các biên giới quốc gia.
Công tác tiêm chủng
Theo các nhóm y tế và nhân quyền, ngay cả khi nhiều nước phát triển đang triển khai tiêm vaccine tăng liều thứ ba, chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm mũi thứ nhất.
Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh vaccine (GAVI) cùng với WHO đồng sáng lập COVAX với mục tiêu thúc đẩy phân phối vaccine trên thế giới, cho biết điều này là cần thiết nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của nhiều biến thể Covid-19 hơn.
"Mặc dù chúng ta vẫn cần các định thêm về đặc tính của Omicron, nhưng chúng ta biết rằng, miễn là phần lớn dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ, các biến thể sẽ có khả năng ngừng sinh sôi và chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết cho đại dịch", ông Berkley chia sẻ với Reuters.