Biến đổi khí hậu, kinh tế suy thoái, xung đột vũ trang dường như khiến người ta quên đi một mối đe dọa rất nghiêm trọng khác, đó là thiếu nước ngọt.
Nông nghiệp chiếm 80% tổng lượng nước tiêu thụ của nhân loại và cần 3,9 m3 nước để làm ra một chiếc áo phông cotton. Một đôi bốt da có thể cần tới 14,5 m3 nước. Một chiếc điện thoại thông minh cần khoảng 12,7 m3. Đó là kết quả nghiên cứu của Tổ chức môi trường Friends of the Earth.
Một nguyên liệu thô tốn nhiều nước khác là đồng. Các công ty khai thác mỏ ở sa mạc Atacama của Chile chi hàng tỷ USD xây dựng các nhà máy khử muối vì phần lớn nước ngọt đã cạn kiệt sau đợt hạn hán kéo dài 13 năm. Trong vòng một thập kỷ, 71% lượng nước mà các thợ mỏ đồng ở Chile sử dụng là nước đã được khử muối.
“Biến đổi khí hậu, kinh tế suy thoái, xung đột vũ trang khiến người ta quên đi một mối đe dọa rất nghiêm trọng khác, đó là thiếu nước ngọt” - Christian Valenzuela, người sáng lập Agua (tổ chức thúc đẩy quyền tiếp cận nước sạch), nói. Ông cho rằng sẽ là quá muộn nếu như người ta vẫn cho rằng bất chấp sự cạn kiệt của những dòng sông, nguồn nước ngầm vẫn luôn dồi dào.
Theo Hội đồng Nước thế giới (WWC), tại thời điểm này có tới 3,6 tỷ người trong tổng số hơn 8 tỷ người sống trong vùng thiếu nước sinh hoạt. Con số này sẽ tăng lên hơn 5 tỷ người vào năm 2050. Hiện 25 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, khi đang sử dụng 80% nguồn cung cấp nước tự nhiên cho nhu cầu tưới tiêu, chăn nuôi, công nghiệp hoặc sinh hoạt. Điều đó có nghĩa là ngay cả những đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể nhanh chóng khiến những nơi này có nguy cơ cạn nước.
WWC cho biết, 2/3 lượng nước ngọt của thế giới chảy qua biên giới các quốc gia. Điều đó sẽ gây “nhiều phiền toái” khi các quốc gia thượng nguồn xây dựng nhiều hồ đập giữ nước, khiến các quốc gia hạ du gặp nguy hiểm khi không chỉ thiếu nước mặt mà còn cả nước ngầm. Xung đột quốc gia về nước cũng đã từng xảy ra và đó là sự cảnh báo nghiêm khắc nếu như không có sự phối hợp, điều tiết chung về nguồn nước.
“Cuộc khủng hoảng nước không xa vời. Sự khan hiếm ngày càng trầm trọng nguồn nước đã đẩy nhiều quốc gia lâm vào tình thế khó khăn” - tiến sĩ Jeffrey Dukes, nhà sinh thái học tại Viện Khoa học Carnegie (Mỹ), nói và cho biết tốc độ suy thoái của đất canh tác ước tính gấp 30 đến 35 lần so với 50 năm trước. 2 tỷ người trên Trái đất phải sống ở những vùng đất khô hạn, nơi mà tình trang sa mạc hóa đang diễn ra nhanh chóng do thiếu mưa và nước ngầm đã gần như biến mất.