Thế giới ‘khóc’ cùng Ấn Độ

Hà Anh 27/04/2021 06:49

Những ngày qua, thế giới bàng hoàng chứng kiến thảm kịch Covid-19 tấn công Ấn Độ. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng và bất ngờ ngay trong thời điểm Ấn Độ tưởng chừng đã khống chế được đại dịch. Đây cũng có thể là lời cảnh báo cho viễn cảnh u ám mà thế giới sẽ phải đối mặt nếu không nhanh chóng can thiệp và dập dịch ở quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ đang trong tâm bão Covid-19. Ảnh: Reuters.

Kêu gọi tiêm vaccine

Trong bối cảnh Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất thế giới với 349.691 ca, phát biểu trên đài phát thanh ngày 25/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi người dân đi tiêm vaccine và hành động thận trọng.

Thủ tướng Modi cũng nêu rõ, nước này đã lạc quan hơn sau khi kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ nhất nhưng “cơn bão” Covid-19 lần này đang làm rung chuyển cả quốc gia.

Sau khi các ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 10.000 ca/ngày, Ấn Độ đã cho phép tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo và chính trị lớn, trong khi thiếu kế hoạch cải thiện hệ thống y tế.

Do đó, khi dịch bệnh lây lan, các bệnh viện và bác sĩ đều đưa ra thông báo khẩn cấp về việc không thể đối phó với lượng bệnh nhân quá đông.

Ấn Độ ngày 25/4 đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất thế giới với 349.691 ca, cũng là cao nhất của Ấn Độ từ khi dịch bùng phát.

Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới trong một ngày vượt mốc kỷ lục của ngày hôm trước, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận 2.767 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo dự báo, làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ hiện nay sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 5 tới với số ca nhiễm mới theo ngày tăng ở mức 500.000 ca, sau đó có thể giảm xuống trong thời gian từ giữa tháng 6 đến tháng 7.

Viện trợ y tế

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ gửi oxy và viện trợ y tế tới Ấn Độ trong những ngày tới góp phần giúp quốc gia Nam Á này giải quyết cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị quân đội Đức xem xét khả năng cung cấp một cơ sở sản xuất oxy lưu động, cũng như hỗ trợ vận chuyển các loại hàng hóa phục vụ mục đích khẩn cấp và cứu trợ tới Ấn Độ.

Cùng với đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/4 đã thể hiện sự đồng cảm đối với Ấn Độ về những gì mà đại dịch Covid-19 đang gây ra cho quốc gia Nam Á này. Bà nhấn mạnh Đức sẽ sát cánh cùng Ấn Độ vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Trong khi đó, ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, nước này quyết tâm hỗ trợ Ấn Độ ứng phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca nhiễm mới.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Bởi vì Ấn Độ đã hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi bị quá tải từ đầu đại dịch, nên chúng tôi quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ khi họ cần đến”.

Cùng ngày, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết nước này sẽ cân nhắc gửi các liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho Ấn Độ.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Home thêm rằng, quan chức nước này đang làm việc không nghỉ để triển khai mọi nguồn lực có thể để giúp Ấn Độ sản xuất vaccine Covid-19 và chăm sóc cho hàng triệu người đang mắc bệnh.

Trong khi đó, Pháp cũng thông báo sẽ gửi thiết bị thở oxy, còn Anh thì cho biết, Chính phủ nước này đã vận chuyển 495 bộ tập trung oxy, có thể tách oxy từ không khí khi hệ thống oxy của bệnh viện cạn kiệt, 120 máy thở không xâm nhập và 20 máy thở cơ động sang New Delhi.

Bên cạnh đó, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết: “Trung Quốc sẵn sàng cung cấp sự ủng hộ và hỗ trợ cần thiết” cho Ấn Độ mặc dù không nêu thông tin chi tiết.

Viễn cảnh u ám

Thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ dường như đang trở thành kịch bản tồi tệ nhất mà nhiều người lo sợ trong đại dịch này. Không có đủ giường bệnh, không tiến hành đủ xét nghiệm, thiếu thuốc men và oxy, quốc gia 1,4 tỷ dân này đang oằn mình trước số ca mắc không ngừng gia tăng.

Với nguồn cung vaccine không thể đáp ứng cho tới cuối năm nay, điều cần thiết hiện nay là cần phải nhìn nhận rằng, bất chấp những ý định tốt đẹp của Tổ chức Y tế thế giới và sáng kiến COVAX nhằm chia sẻ vaccine công bằng trên toàn cầu, đại dịch cần một quãng thời gian tập trung vào việc “chữa cháy” ở những ổ dịch mà những quyết định khó khăn cần phải được đưa ra.

Điều đó sẽ yêu cầu các quốc gia cần có nhận thức vượt lên trên tầm nhìn của cuộc khủng hoảng y tế chỉ trong nước mình, để hiểu rằng đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu không có sự can thiệp. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng việc để cho virus lây lan không kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm và kéo dài đại dịch.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ bùng phát một phần do sự chủ quan của nhà chức trách Ấn Độ khi nhận định hồi tháng 3 rằng dịch bệnh đã đến “hồi kết” giữa bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai vẫn đang diễn ra. Sai lầm này không khác nhiều so với sai lầm của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới khi coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

Điều khác biệt ở đây là dịch Covid-19 tại Ấn Độ có nguy cơ gây tổn hại lớn chưa từng có từ trước đến nay.

Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - Viện Huyết thanh Ấn Độ, được cho là sẽ cung cấp những liều vaccine Covid-19 theo cơ chế COVAX cho những nước nghèo, chủ yếu ở châu Phi. Nhưng những liều vaccine này hiện đã phải chuyển hướng để phục vụ nhu cầu của Ấn Độ khi chính nước này cũng đang chật vật tìm nguyên liệu để sản xuất vaccine từ Mỹ.

Đã tổ chức các chuyến bay đưa gần 1000 công dân Việt Nam về nước an toàn

Ngày 26/4/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ hiện nay và các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, trong những ngày qua, tình hình đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ đang có những diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân tại đây. Chính phủ Ấn Độ hiện tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh như tìm thêm nguồn cung cấp oxy, tăng cường các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men cũng như đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine cho người dân… Việt Nam quan tâm, theo dõi tình hình, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Chính phủ và người dân Ấn Độ trong lúc khó khăn này. Chúng tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ, tình hình sẽ sớm được kiểm soát và ổn định”.

Liên quan đến tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ấn Độ, thời gian qua Bộ Ngoại giao, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại, các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay đưa gần 1000 công dân Việt Nam về nước an toàn. Hiện còn khoảng 100 công dân Việt Nam đang ở lại Ấn Độ. Các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và Ấn Độ theo dõi sát tình hình dịch bệnh, duy trì kênh liên lạc với công dân Việt Nam và sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ cần thiết.

M.Loan

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới ‘khóc’ cùng Ấn Độ