Trái đất đang ấm lên nhanh chóng, chính điều này đã gây ra sự tan băng cực bất thường ở Bắc Cực. Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển toàn cầu sẽ tiếp tục dâng cao trong những thập kỷ tới.
Theo một nghiên cứu mới từ Climate Central – một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận, khoảng 50 thành phố ven biển lớn trên thế giới sẽ cần những biện pháp thích ứng “chưa từng có” để ngăn chặn dòng nước biển dâng cao nuốt chửng các khu vực đông dân cư nhất.
Kết quả phân tích với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức đã cho thấy, sự tương phản trực quan ấn tượng giữa thế giới của chúng ta thời điểm hiện tại và trong tương lai – nếu Trái đất nóng lên 3 độ C.
Dựa trên báo cáo của nhà khoa học khí hậu vào tháng 8, thế giới đã ấm hơn khoảng 1,2 độ C so với mức tại thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ của Trái đất nên duy trì ở mức dưới 1,5 độ C - ngưỡng quan trọng để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu.
Nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, khi lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính toàn cầu bắt đầu giảm từ ngày hôm nay và xuống mức 0 thuần vào năm 2050, thì nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ đạt đỉnh trên ngưỡng 1,5 độ C trước khi bắt đầu giảm xuống. Trong một kịch bản bi quan hơn, khi lượng khí thải tiếp tục tăng cao hơn vào năm 2050, Trái đất có thể đạt ngưỡng 3 độ C sớm nhất là vào những năm 2060 hoặc 2070 và các đại dương sẽ tiếp tục dâng cao trong nhiều thập kỷ sau đó.
Ông Benjamin Strauss, nhà khoa học chính tại Climate Central và là tác giả của báo cáo cho biết: “Những lựa chọn hôm nay của chúng ta sẽ định hướng cho con đường tương lai nhân loại toàn cầu".
Các nhà nghiên cứu của Climate Central đã sử dụng dữ liệu về độ cao và dân số toàn cầu để phân tích các khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do mực nước biển dâng, vốn có xu hướng tập trung ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết các quốc đảo nhỏ có nguy cơ "gần như mất toàn bộ" đất, cùng với đó 8 trong số 10 khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng từ nước biển dâng đều ở châu Á, với khoảng 600 triệu người dân sẽ phải sống trong cảnh ngập lụt, theo kịch bản tệ nhất khi Trái đất nóng lên 3 độ C.
Với mỗi dấu hiệu ấm lên dù là rất nhỏ của hành tinh, hậu quả của biến đổi khí hậu cũng vẫn trở nên trầm trọng hơn. Theo các nhà khoa học, ngay cả khi hạn chế được sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, các loại hình thời tiết khắc nghiệt mà thế giới đã phải trải qua trong những năm gần đây sẽ càng trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn nữa. Đặc biệt, nếu như mức nhiệt Trái đất vượt quá 1,5 độ C, hệ thống khí hậu có thể sẽ bắt đầu không thể nhận biết được.
Trong hai tuần đầu tiên của tháng 11, các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên hợp quốc làm trung gian ở Glasgow, Scotland. Họ sẽ thảo luận về vấn đề hạn chế phát thải khí nhà kính, cũng như số tiền tài trợ mà các quốc gia giàu có cam kết để giúp Nam bán cầu rời xa nhiên liệu hóa thạch và thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trừ khi các hành động táo bạo và nhanh chóng được thực hiện, các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng lấp đầy tương lai của Trái đất. Các nhà khoa học cho biết hành tinh của chúng ta sắp hết thời gian để tránh khỏi những trường hợp xấu nhất.
“Các nhà lãnh đạo trên thế giới chỉ có một ranh giới rất nhỏ giữa việc giúp đỡ hoặc phản bội tương lai của nhân loại bằng những hành động thực tế của họ trước vấn đề biến đổi khí hậu", ông Strauss lo ngại.