Thế mạnh của du lịch cộng đồng

Phạm Sỹ 22/06/2023 06:45

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho người dân, đặc biệt ở những vùng miền còn nhiều khó khăn. Thông qua du lịch cộng đồng, những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy và lan tỏa. Tuy nhiên, mô hình này hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát.

Du lịch cộng đồng ngày càng hấp dẫn khách du lịch.

Hoạt động tự phát

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giá trị lịch sử và văn hóa đa dạng của các dân tộc bản địa, cùng với ẩm thực phong phú ở các vùng miền. Tất cả những điều này đều là cơ sở vững chắc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW (năm 2017) về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Nghị quyết 08 đã tạo động lực và cung cấp nền tảng cho sự phát triển của du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này tới từng địa phương lại đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như tài chính. Hiện tại, vẫn chưa có quy định cụ thể hoặc nguồn lực nào dành riêng cho việc phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng, quá trình triển khai du lịch cộng đồng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là với việc nhiều chính quyền địa phương chưa hiểu rõ khái niệm này. Tại một số địa phương, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng mà không tuân thủ quy chế, quy chuẩn hoặc các yếu tố cần thiết để phát triển.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế là do người dân, doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích từ sớm.

Cần có lộ trình

Theo lời anh A Kâm, Làng Du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, việc làm du lịch ở địa phương đã bắt đầu phát triển từ vài năm trước. Tuy nhiên, trước đây bà con chỉ làm tự phát và chưa chuyên nghiệp. Sau khi có đề án hỗ trợ phát triển làng du lịch cộng đồng của UBND thành phố Kon Tum vào giữa năm 2020, du lịch ở địa phương mới phát triển mạnh.

“Từ sự hỗ trợ của UBND thành phố và nguồn vay ưu đãi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên; đồng thời xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, đưa khách tham quan trực tiếp trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, chèo thuyền dọc sông Đăk Bla… từ đó đã thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng” – anh A Kâm cho biết.

Múa sạp.

Để phát triển thành công du lịch cộng đồng, nhiều ý kiến cho rằng người dân cần trải qua một quá trình dài học hỏi và rèn luyện kỹ năng ứng xử và đối đãi với du khách một cách văn minh.

Thời gian qua, nhiều người dân cũng đã nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi các mô hình nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Theo giới chuyên gia trong ngành, để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng, trước hết cần phải hiểu rõ về cộng đồng và có sự hỗ trợ từ những người am hiểu để đảm bảo rằng cả cộng đồng đều có thể tham gia vào hoạt động du lịch. Đồng thời, cần khai thác và phát huy giá trị bản địa để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng thật sự độc đáo và hấp dẫn. Việc tạo ra những sản phẩm này sẽ giúp cộng đồng chuyển đổi sinh kế hiện tại trở thành nghề và sản phẩm liên quan đến du lịch, từ đó gia tăng thu nhập và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, ngoài cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa, trước tiên, cần một cộng đồng thực sự muốn làm du lịch, sẵn sàng làm du lịch. Cùng với đó là sự song hành, chung tay của chính quyền địa phương.

GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải đứng ra tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về cách làm du lịch cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch. Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.

Hiện nay, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Bên cạnh việc bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, du lịch cộng đồng còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Các doanh nghiệp đang thiết kế các tuyến du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng, mang đến cơ hội giao lưu với khách du lịch, bán các sản phẩm địa phương, đồ thủ công mỹ nghệ và tạo ra thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế mạnh của du lịch cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO