Thế mạnh của vàng

An Bình 22/05/2023 09:00

Nhìn lại thị trường tuần qua, giá vàng trong nước và thế giới có sự biến động ngược chiều nhau. Đó là trong khi giá vàng thế giới có mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2023 đến nay, thì giá vàng trong nước lại có những diễn biến theo chiều hướng tăng, cho dù giảm thì cũng chỉ là những biến động rất nhẹ.

Nhiều giao dịch cho dù giá vàng đang neo cao.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (20/5), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,7 - 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Phiên cuối tuần, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 66,65 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Nếu nhìn bức tranh thị trường vàng trong vòng một tuần qua có thể thấy giá vàng trong nước theo hướng tăng hơn là giảm. Mở phiên đầu tuần (15/5), giá vàng được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm, giao dịch trên mốc 67,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Sang sáng 16/5, giá vàng giữ ổn định. Sáng 17/5, giá vàng giảm cùng chiều với giá vàng thế giới, sau đó tăng vào sáng 18/5. Đến sáng 19/5, giá vàng lại giảm và sang đến 20/5 thì lại bật tăng. Theo dõi hướng đi của giá vàng, không khó để khẳng định, vàng trong nước đã “chốt” ở mức 66-67 triệu đồng/lượng kể từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Mức này có giảm cũng giảm không đáng kể. Trong khi, trên thị trường thế giới, giá vàng tuần qua lại có mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2023. Theo đó, giá vàng thế giới giảm 1,9%, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ ngày 3/2.

Như vậy, giá vàng trong nước bất kể biến động như thế nào, vẫn luôn giữ một khoảng cách khá xa với giá vàng thế giới, có nghĩa, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới vẫn chưa thể kéo gần lại được.

Kể cả ở những diễn biến trái chiều như vậy, thì giới chuyên gia vẫn đưa ra nhận định, đây vẫn là kênh đầu tư tiềm năng từ nay đến cuối năm. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro liên quan đến suy thoái, lạm phát... giá vàng vẫn đang rất khó đoán định. Dù vậy, đây vẫn là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư chú trọng hơn cả vì tính chất khá ổn định của nó so với các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán - 2 kênh đang ghi nhận những “nốt trầm” của thị trường. Khi mà bất động sản vẫn được dự báo là còn khó khăn, chưa có dấu hiệu hồi phục rõ nét, chứng khoán cũng không khá hơn là mấy. Còn gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động đang được điều chỉnh giảm, không còn hấp dẫn như trước đó.

“Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm của thị trường chứng khoán, trong khi giá vàng lại tăng cao. Điều này cho thấy giá trị của việc nắm giữ vàng, vì loại tài sản này thường không chịu ảnh hưởng bởi các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư” - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình dương Shaokai Fan đã nhấn mạnh như vậy khi nói về tính khả quan của việc đầu tư vào kim loại quý.

Và đặc biệt, với tâm lý của phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam khi niềm tin của họ vào vàng chưa bao giờ sụt giảm, thì đây vẫn là kênh đầu tư bảo vệ họ trước những rủi ro, biến động bất ngờ của môi trường đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế mạnh của vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO