Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đang thi đấu hết mình vì thành tích, mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà tại SEA Games 32. Sớm dự báo đây là kỳ SEA Games đầy khó khăn và thách thức nhưng toàn bộ các thành viên của đoàn vẫn nỗ lực vượt khó để thi đấu đem lại những thành công.
Quyết tâm cao
Khó khăn rất nhiều là điều đã sớm được dự báo với Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32. Cách đây gần 1 năm, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công SEA Games 31. Đặc biệt, việc Đoàn TTVN thi đấu thành công với vị trí thứ nhất toàn đoàn và giành được tới 205 HCV. Tuy nhiên, ở kỳ Đại hội này, TTVN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong nỗ lực bảo vệ vị trí số 1 của mình do chủ nhà cắt giảm nhiều môn thế mạnh, sở trường. So với kỳ SEA Games 31 trên sân nhà (205 HCV), số lượng HCV của đoàn TTVN dự tính giảm tới một nửa.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta mất nhiều môn thế mạnh, chưa kể các nội dung cũng bị "bóp" lại. Chẳng hạn như ở đa số các môn võ, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực chỉ được dự 70% số nội dung, trong khi chủ nhà được 100%. Ở hầu hết các nội dung thế mạnh khác của Việt Nam, cũng bị cắt giảm từ 20-30% so với kỳ SEA Games trước.
Theo tính toán của lãnh đạo đoàn, TTVN mất khoảng 50 HCV từ việc bị cắt giảm các môn thi đấu, các nội dung tại SEA Games 32. Dẫu vậy, toàn đoàn vẫn đầy tự tin, quyết tâm cao thi đấu vì màu cờ, sắc áo với mục tiêu đạt từ 89 đến 120 HCV, đứng Top đầu các quốc gia tham dự, duy trì thứ hạng cao ở các môn thể thao Olympic. Đồng thời quyết tâm bảo vệ thành công ngôi vị của hai đội tuyển Bóng đá nam và Bóng đá nữ là điều mà đoàn TTVN đặt ra trước khi lên đường.
“Đoàn TTVN đã sẵn sàng, các VĐV đã sẵn sàng và chúng tôi luôn tự ý thức được sứ mệnh của mình là vì màu cờ, sắc áo, vì trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân”, ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 chia sẻ. Ngoài việc phải đối đầu với các đối thủ mạnh, đầy quyết tâm tại đấu trường khu vực, trong những ngày này, các VĐV còn phải đối đầu với tiết trời nắng nóng tại Campuchia. Do các địa điểm thi đấu không được phủ rợp bóng cây nên cái nắng nóng lại càng nhân lên nhiều lần. Tất nhiên, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng chịu những tác động khắc nghiệt của thời tiết.
Nỗ lực vì màu cờ, sắc áo
Trong những ngày thi đấu đầu tiên tại SEA Games 32, TTVN đã chứng kiến những nụ cười hạnh phúc từ niềm vui chiến thắng, nhưng cũng không ít những giọt nước mắt đầy tiếc nuối. Tất cả đã làm nên cảm xúc ở một kỳ Đại hội nhiều thách thức mà khó khăn lớn nhất chính là việc chúng ta phải vượt qua chính mình để chiến thắng. Ấn tượng, cảm xúc và tự hào ngay trong những ngày đầu tiên SEA Games 32 chính thức bắt đầu chính là việc đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam đánh bại Philippines với tỉ số 21-16 ở trận chung kết để giành tấm HCV lịch sử. Đây là lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam vô địch SEA Games.
Sau chiến thắng ấn tượng trước Philippines, VĐV Trương Thảo Vy cho biết: “Thật hạnh phúc khi cùng đội giành tấm HCV. Khoảnh khắc xúc động nhất với tôi là lúc trọng tài thổi còi mãn cuộc, các CĐV hô to "Việt Nam vô địch". Đó thực sự là điều rất hạnh phúc.
Tôi cũng từng gặp khó khăn khi phải thi đấu với những đối thủ to cao của Philippines. Nhưng việc được thi đấu bên cạnh chị gái của mình cũng giúp ích rất nhiều cho tôi. Tôi sinh ra ở Việt Nam sau đó mới sang Mỹ. Bây giờ được trở về cống hiến cho quê hương và giành HCV sẽ là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi”.
Niềm vui chiến thắng còn thể hiện rõ sau nụ cười rạng rỡ của Trần Hưng Nguyên khi anh bước lên bục cao nhất để nhận HCV ở nội dung 200 m hỗn hợp nam tại SEA Games 32 tại Cung thể thao dưới nước thuộc Khu liên hợp thể thao Morodok Techo. Như vậy, Hưng Nguyên vẫn duy trì vị thế số một Đông Nam Á ở nội dung 200m hỗn hợp. Anh đã giành 3 tấm HCV SEA Games liên tiếp ở nội dung này. Sau khi đoạt HCV đầu tiên cho bơi Việt Nam.
Cũng ở môn bơi, Phạm Thanh Bảo cũng đã đem lại nhiều cảm xúc khi anh giành HCV, phá kỷ lục SEA Games 32 ở nội dung 100m bơi ếch nam. Ở nội dung 100m bơi ếch nam, Phạm Thanh Bảo có màn bứt tốc ngoạn mục ở 50m cuối cùng để về nhất với thành tích 1 phút 0,97 giây, qua đó giành tấm HCV đầu tiên cho đội tuyển bơi Việt Nam.
Đặc biệt hơn nữa, Thanh Bảo cũng phá kỷ lục do chính anh lập ở SEA Games 31 (1 phút 1,17 giây). "Tôi tự đặt cho mình áp lực phải cố gắng mỗi ngày để phát triển thành tích. Mục tiêu của tôi luôn là phải làm hết sức. Đây là thông số tốt nhất của tôi, tốt hơn tấm HCV năm ngoái ở SEA Games 31 tại Việt Nam", Thanh Bảo chia sẻ bí quyết thi đấu thành công ở SEA Games 32.
Những nỗ lực để đem lại thành tích cao của các VĐV Việt Nam còn được thể hiện rõ nét qua việc kình ngư Kim Sơn dù chảy máu mũi vẫn xuất sắc giành HCV SEA Games. Nguyễn Hữu Kim Sơn cùng với Hoàng Quý Phước, Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên xuất sắc giành HCV nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam SEA Games 32. Điều đáng nói là Kim Sơn cho biết anh bị chảy máu mũi liên tục trong 3 tuần trước khi thi đấu nhưng đã vượt qua tất cả để góp sức cùng đồng đội đạt thành tích xuất sắc ở nội dung bơi tiếp sức 4x200m nam.
Tấm gương nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo còn được thể hiện sau tấm HCV của Thanh Liêm ở môn Vovinam. Không có được thể lực tốt vì mắc bệnh sau khi đến Phnom Pênh, nhưng võ sĩ Thanh Liêm vẫn nỗ lực để mang về tấm HCV cho đoàn TTVN tại SEA Games 32 ở bộ môn Vovinam. Thanh Liêm thi đấu trong trạng thái thể lực không được tốt nhất khi anh bị sốt cao. Nhưng bằng ý chí mang về vinh quang cho tổ quốc, anh đã vượt qua được những khó khăn.
Á quân thế giới môn Boxing hạng 50kg Nguyễn Thị Tâm đã để lại những tiếc nuối khi chấn thương khiến cô phải sớm rời SEA Games 32. Trước đó Tâm là niềm hy vọng sáng giá, là ứng cử viên nặng ký cho bất cứ đối thủ nào muốn bước lên ngôi vô địch hạng cân 54kg nữ tại SEA Games lần này. Mới cách đây chưa đầy hai tháng, Tâm đã giành ngôi á quân boxing thế giới một cách đầy thuyết phục, cô cũng đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam khi trở thành nữ võ sĩ đầu tiên mang về chiếc HCB quý giá ở đấu trường lớn nhất thế giới. Ngay khi gia nhập Làng VĐV, Tâm đã rất tích cực tập luyện với quyết tâm đoạt ngôi cao nhất tại SEA Games này.
Dù phải đôn lên tới 4kg nhưng Tâm cho biết, cô không thấy có gì khó khăn với một VĐV chuyên nghiệp và đang tràn đầy quyết tâm thi đấu đoạt huy chương cao nhất vì màu cờ, sắc áo. Tuy nhiên trong trận đấu đầu tiên tại SEA Games 32, trước đối thủ Jutamas Jitpong đến từ Thái Lan, Tâm đã bị chấn thương và phải dừng bước một cách đáng tiếc. Đây là VĐV đoạt HCĐ tại Giải vô địch boxing nữ thế giới cuối tháng 3 vừa qua.
Vào trận đấu với đối thủ cũng ở đẳng cấp thế giới, Tâm tự tin triển khai đấu pháp và thi đấu nhỉnh hơn đối thủ. Khi mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ thì bất ngờ ở cuối hiệp 2, Tâm bị đối thủ húc vào gối. Cú húc mạnh khiến Tâm mất thăng bằng và bị đối thủ ngã đè lên. Cú ngã khiến đầu gối chân trái của Tâm gặp vấn đề.
Từ đó đến cuối trận, cô không thể đứng vững để ra đòn và chống đỡ các đòn tấn công của đối thủ. Chung cuộc, Tâm nhận thất bại knock-out kỹ thuật. Trở về Làng VĐV trên cáng cứu thương, SEA Games 32 với Tâm đã kết thúc. Võ sĩ quê Thái Bình cảm thấy tiếc và buồn vì đã không thể tiếp tục các cuộc thi đấu tại SEA Games 32. Tuy nhiên với một nữ võ sĩ bản lĩnh như Nguyễn Thị Tâm, chấn thương ngày hôm nay không làm cô gục ngã.
Tiếc nuối cũng đã đến tại nội dung marathon nữ, VĐV Lê Thị Tuyết chỉ giành HCB trong khi ở nội dung nam, Hoàng Nguyên Thanh không thể bảo vệ HCV đã giành được ở SEA Games 31… Theo Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, đoàn TTVN trượt một số HCV đầy tiếc nuối. Nếu may mắn hơn, các VĐV Việt Nam có thể đạt nhiều HCV hơn trong những nội dung đã thi đấu.
Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Đoàn TTVN đang tràn đầy tự tin sẽ vượt qua “cái bóng” của chính mình để hoàn thành chỉ tiêu có mặt trong tốp đầu Đại hội.