SEA Games 29 đang bước vào giai đoạn tăng tốc, các đội tuyển đều nỗ lực hết mình nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho sân chơi số 1 khu vực. Và khi khối lượng tập luyện được đẩy lên cao, nhưng phương pháp hồi phục thể lực không đảm bảo, chuyện VĐV chấn thương là điều khó tránh khỏi.
Đó là chưa kể vẫn có những trường hợp chấn thương bên ngoài sân tập, thảm đấu rất đáng tiếc khiến bao công sức tập luyện cả năm trời phải đổ xuống sông, xuống biển. Thành tích mất đi đã đành, nhưng nguy hiểm hơn chính là sự nghiệp thi đấu của các VĐV có thể sẽ bị “đứt gánh giữa đường”…
VĐV thể thao luôn đối mặt với nỗi lo chấn thương.
Những cuộc chia tay SEA Games
Ngay những ngày đầu năm, làng thể thao Việt Nam đã phải đón nhận thông tin không vui từ trường hợp của nhà vô địch SEA Games Lê Trọng Hinh. VĐV người Thanh Hoá bị tai nạn khi đang đi xe máy đi học tại Đại học TDTT Bắc Ninh.
Khi đang trên đường di chuyển sang Đại học TDTT Bắc Ninh, Hinh đã va chạm giao thông, khiến anh bị chấn thương nặng ở vùng đầu gối. Sau khi được đưa đi cấp cứu, các bác sĩ cho biết, phần dây chằng đầu gối của Trọng Hinh sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể hồi phục.
Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), cho biết VĐV Lê Trọng Hinh đang được điều trị tích cực, nhưng khả năng hồi phục kịp trước SEA Games hay không thì chưa rõ. Tuy nhiên, theo một VĐV trong đội tuyển điền kinh cho biết, Hinh gần như chắc chắn sẽ phải nghỉ tập hết năm nay.
Điều này cũng có nghĩa VĐV người Thanh Hóa sẽ mất suất tham dự SEA Games 29 – kỳ đại hội thể thao khu vực anh đang là đương kim vô địch.
Lê Trọng Hinh chính là người ghi tên mình vào lịch sử của điền kinh Việt Nam khi là VĐV đầu tiên giành HCV SEA Games ở cự ly tốc độ 200m. Trước đó, thành tích tốt nhất ở SEA Games của điền kinh Việt Nam là HCĐ, cùng do Hinh giành được.
Kể từ sau SEA Games 28, Trọng Hinh được mệnh danh là “vua tốc độ” Đông Nam Á, chứ không phải là VĐV nhập tịch Eric Cray. Sự thừa nhận của giới chuyên môn khu vực với Trọng Hinh, cũng giống như với “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương cách đây 10 năm. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là tai nạn đã cướp đi cơ hội bảo vệ danh hiệu VĐV số 1 cự ly chạy ngắn khu vực của Lê Trọng Hinh.
Với các VĐV, việc họ bị chấn thương khi tập luyện là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chấn thương vì tai nạn giao thông thì thực sự tiếc nuối và rất đáng phải suy ngẫm.
Cần nhớ rằng rất nhiều VĐV đã bị tai nạn giao thông do phải tự đi xe máy hàng chục km đi học. Thời còn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Miura luôn đưa ra lệnh cấm các cầu thủ đi xe máy, bởi chỉ với một pha va chạm giao thông, có thể sẽ khiến họ phải giải nghệ.
Chấn thương luôn ám ảnh với các VĐV và các nhà quản lý nước nhà. Còn nhớ, trước SEA Games 27, thể thao Việt Nam liên tục đón nhận nhiều “hung tin” từ những ca chấn thương của các VĐV chủ chốt ở các đội tuyển. Đáng chú ý là trường hợp rất đáng tiếc của VĐV số 1 cự ly trung bình (điền kinh) Trương Thanh Hằng, cũng bị tai nạn giao thông.
Nói về chấn thương, có lẽ không đội tuyển nào nhiều ca bằng karate. Ngồi nói chuyện với HLV Lê Công mới biết, chuyện chấn thương của các võ sĩ karate nằm ngoài tưởng tượng với nhiều người. Theo ông Công, hầu như học trò nào của ông cũng “dính”, không nặng thì nhẹ, không nhiều thì ít.
Sau nhiều năm dẫn dắt và bản thân mình cũng chấn thương khắp người, HLV Lê Công đã chứng kiến nhiều cảnh học trò phải lỡ hẹn với các kỳ đại hội, thậm chí xa rời hẳn thảm đấu.
Karate, môn võ đòi hỏi sức mạnh và tốc độ, các VĐV thường chấn thương ở gối, cổ chân, khớp vai, mu bàn chân...Karate lại là môn đối kháng, nên các VĐV cũng hay gặp những chấn thương liên quan đến quai hàm, ức ngực, đầu, mắt...Tất cả những dạng chấn thương này đều khó khắc phục bởi liên quan đến vận động hàng ngày.
Có muôn hình vạn trạng các loại chấn thương khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp của VĐV bóng chuyền bãi biển Trương Thị Yến (Hải Phòng) từng tham dự 3 kỳ SEA Games 2007, 2009, 2011, đang tập luyện bình thường bỗng dưng bị đau đầu, rồi sau đó được chuẩn đoán là dị dạng mạch máu não, một dị tật ở não rất nguy hiểm đến tính mạng.
Bất khả kháng, nhưng…
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Lê Quý Phượng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến các chấn thương trong tập luyện là sai lầm trong phương pháp tập luyện.
Khi bị chấn thương trong tập luyện hay thi đấu, phụ thuộc vào mức độ tổn thương, trong giai đoạn từ 24-72 giờ vùng tổn thương cần phải yên tĩnh hoàn toàn, nếu không thấy có dấu hiệu suy giảm thì cần phải đến bác sĩ để có được lời chỉ dẫn cần thiết.
Tuy nhiên, với VĐV Việt Nam, hầu hết bị chấn thương nhưng vẫn cố tập luyện, khiến tình trạng càng nặng thêm. Có những VĐV bị đứt hẳn dây chằng đầu gối mới biết, nên việc xử lý sẽ rất phức tạp.
HLV Lê Công-người đã chứng kiến biết bao chấn thương của học trò, cho rằng: “Chấn thương bắt nguồn từ việc thể chất VĐV Việt Nam không tốt, tập luyện thiếu bài bản từ bé khi đa số đều tập nặng, nên khi vào đỉnh cao là “hỏng”.
Ngoài ra, điều kiện tập luyện tại Việt Nam cũng chưa tốt, hồi phục kém và đặc biệt là sự mất tập trung của các VĐV từ những tác động ngoại cảnh”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (Trung tâm HLTTQG Hà Nội) cho biết, nhiều người cứ tưởng chấn thương chỉ có ở các cầu thủ bóng đá, nhưng chính các VĐV đỉnh cao lại gặp hơn nhiều.
Đáng tiếc là trong khi bóng đá luôn được chữa trị kịp thời, thậm chí đưa ra nước ngoài phẫu thuật, thì các VĐV môn khác thường không có điều kiện chữa trị, dẫn đến mãn tính, sớm phải nghỉ thi đấu.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chấn thương của thể thao, chấn thương là bất khả kháng, nhưng nếu như thể thao Việt Nam có những trung tâm hồi phục, chuẩn đoán sớm các loại chấn thương, sẽ giảm đi rất nhiều những trường hợp đáng tiếc.
Hiện nay, mới chỉ có Bệnh viện thể thao Việt Nam là hay tiến hành khám và xử lý các ca phẫu thuật cho các VĐV trong nước.
“VĐV theo thể thao là phải biết hy sinh và tất cả nhận thức được điều đó. Thực tế, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, lãnh đạo ngành cũng đã quan tâm rất nhiều nhưng cần quan tâm sâu sát hơn, nhanh hơn, đảm bảo cho tương lai sau này của các em”, HLV Lê Công trăn trở.