Khủng hoảng chính trị của Pháp và Đức là trở ngại cho những nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế đang gặp khó khăn của châu Âu và đã khiến các công ty khó đưa ra quyết định đầu tư cần thiết để cạnh tranh trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) phải điều hướng trước sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump và căng thẳng thương mại gia tăng với Trung Quốc. Từ việc các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp phải đối mặt với thuế quan của Trung Quốc, cho đến các nhà sản xuất linh kiện của Đức đang chờ đợi sự rõ ràng về chiến lược công nghiệp của châu Âu đối với xe điện, đây là thời điểm không thể tệ hơn.
Nhiều người đồng ý rằng, nền kinh tế của khu vực phải được cải tổ nếu muốn tạo ra sự giàu có cần thiết để duy trì dân số già hóa là 450 triệu người tại EU. Nhưng hơn bao giờ hết, câu hỏi đặt ra là liệu các chính trị gia của khu vực có thể thực hiện được hay không.
"Cuộc khủng hoảng của Pháp và Đức không nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các cải cách kinh tế" - ông Enrico Letta, tác giả của báo cáo dài 147 trang do EU ủy quyền về những điểm yếu của nền kinh tế khu vực trong năm nay - nói với Reuters và cảnh báo, sự sụp đổ của chính phủ Pháp vào tuần trước - chỉ vài tuần sau khi liên minh đảng cầm quyền Đức tan rã - là một "hòn đá tảng” đối với sự ổn định tài chính trong một khu vực đang phải vật lộn với nợ cao.
Châu Âu đã tụt hậu so với Mỹ về mặt tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mọi thứ, từ năng suất yếu kém đến thị trường vốn bị phân mảnh và khu vực ngân hàng rộng lớn hơn đều bị đổ lỗi. Các lệnh trừng phạt đối với Nga được áp dụng sau xung đột ở Ukraine đã tước đi nguồn năng lượng giá rẻ của các nhà sản xuất châu Âu.
Ông Axel Petruzzelli - Chủ tịch Hội đồng công nhân tại nhà máy Stuttgart của hãng cung cấp phụ tùng ô tô khổng lồ Bosch - cho biết, sự bất ổn do chính phủ liên minh Đức sụp đổ gây ra là "liều thuốc độc đối với chúng tôi". Công ty của ông đang chờ đợi sự rõ ràng về chính sách công nghiệp của Đức, đặc biệt là lập trường của Berlin đối với lĩnh vực xe điện, nhưng điều đó sẽ không đến sau khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 2/2025.
Reuters đưa tin cho biết, hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa phải đối mặt với sự im lặng tương tự từ Berlin trước lời kêu gọi giảm phí sân bay - vốn cao hơn nhiều so với những nơi khác ở châu Âu. Một giám đốc điều hành của hãng cho biết, họ thậm chí có thể phải chuyển hoạt động sang các trung tâm có chi phí thấp hơn như Rome của Italy.
Theo nhà sản xuất động cơ phản lực của Pháp Safran, sự ổn định chính trị là một yếu tố chính để họ quyết định về địa điểm xây dựng một nhà máy sản xuất phanh carbon mới mà họ sẽ đưa ra vào đầu năm tới, trong đó Mỹ và Canada được lựa chọn cùng với Pháp.
Hơn nữa, theo Tổng Giám đốc điều hành Safran Olivier Andries, việc Quốc hội Pháp chưa nhất trí được ngân sách năm 2025 làm dấy lên viễn cảnh rằng, các giới hạn chi tiêu của ngân sách năm nay sẽ phải được gia hạn như một giải pháp khẩn cấp tạm thời, ngay cả khi lạm phát đẩy chi phí lên cao trên diện rộng.
"Bầu không khí chính trị này sẽ không khuyến khích tiêu dùng nói chung và đặc biệt là đối với những giao dịch có giá trị lớn như mua ô tô mới" - ông Marc Mortureux, Tổng Giám đốc điều hành của nhóm vận động hành lang ô tô Pháp La Plateforme automobile (PFA) cho biết.
Châu Âu vẫn tự hào về nền kinh tế cởi mở, hướng đến thương mại. Nhưng thương mại là nơi có những thách thức cấp bách nhất. Hiệp hội rượu cognac Pháp BNIC cho biết, động thái áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu của Trung Quốc vào tháng 10 - vài ngày sau khi EU công bố mức thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc - có khả năng gây ra thảm họa cho ngành này. "Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không nên cản trở các bước khẩn cấp liên quan đến sự sống còn của nhiều bên liên quan" - BNIC cho biết.
Lời hứa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ là một phép thử đối với sự đoàn kết của châu Âu khi họ quyết định cách thức có thể ngăn chặn những mối đe dọa đó và cách đáp trả nếu kế hoạch của ông Trump được thực hiện.
Tuy nhiên, tất cả những căng thẳng vốn có trong chính sách thương mại của châu Âu, khi các quốc gia riêng lẻ đều tìm cách bảo vệ những lĩnh vực quan trọng nhất đối với nền kinh tế trong nước của họ, đã được thể hiện một cách khốc liệt trong tuần này khi EU ký kết một thỏa thuận thương mại với Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia. Đây được ca ngợi là thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay của EU, nếu được hoàn tất, nó sẽ đối đầu giữa lợi ích của Đức trong việc nuôi dưỡng các thị trường mới cho ô tô và máy móc với lợi ích của Pháp trong việc bảo vệ ngành nông nghiệp của mình khỏi hàng nhập khẩu. Hiện tại, sự thay đổi chính trị ở Paris và Berlin khiến sự tăng trưởng của châu lục càng trở nên không rõ ràng.
Nền kinh tế EU được dự đoán chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, nhiều hy vọng đang được đặt vào chi tiêu của người tiêu dùng để dẫn đến sự phục hồi vào năm tới khi mức lương tăng thúc đẩy thu nhập hộ gia đình, nhưng đây chỉ là trong trường hợp người tiêu dùng không cảm thấy lo lắng.