Kinh tế

Thêm 1 đại gia bất động sản bị cưỡng chế thuế

Ngọc Bích 30/05/2024 16:16

Mặc dù Cục Thuế và Chi cục Thuế tại các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý tình trạng chậm nộp thuế, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chây ỳ, thậm chí có doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ “chồng chất”, lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương, Thanh Hóa đã gửi thông báo đến Công ty Đ có trụ sở tại Thanh Hóa về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản.

Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn – Quảng Xương đã nhiều lần gửi thông báo đôn đốc nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước đến công ty Đ nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền theo quy định.

Tính đến ngày 13/4/2024, số tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp đối với công ty Đ tại một dự án tại TP Sầm Sơn là khoảng 214,2 tỷ đồng. Trong đó, tiền sử dụng đất đã quá hạn là 139,4 tỷ đồng, số tiền chậm nộp là 74,8 tỷ đồng.

Thực tế, trong thời gian qua đã có hàng loạt doanh nghiệp bị “bêu tên” vì chậm nộp thuế, thậm chí một số lãnh đạo doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh.

Hồi cuối tháng 4/2024, Cục Thuế TP HCM đã công khai danh sách 278 doanh nghiệp nợ thuế tính đến thời điểm tháng 3/2024 với tổng số tiền nợ đạt hơn 3.842 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu danh sách là “ông lớn” ngành xăng dầu phía Nam Xuyên Việt Oil.

Theo danh sách, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil chiếm hơn 43% tổng số nợ thuế của TP HCM. Đây đã là lần thứ hai liên tiếp Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách nợ thuế.

Đứng thứ hai trong danh sách là Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) với số nợ hơn 366,7 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng có khoản nợ lớn như: Công ty TNHH Đầu tư Nhật Hoàng (hơn 48 tỷ đồng), Công ty cổ phần bất động sản Khải Thịnh (hơn 46 tỷ đồng), Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty cổ phần kết nối đầu tư Việt (hơn 40,7 tỷ đồng)...

Ngày 15/5 vừa qua, Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã có thông báo bằng văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để tạm hoãn xuất cảnh đối với 5 doanh nghiệp nợ thuế hàng chục tỷ đồng.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa vừa có thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Vũ Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort (FLC Sầm Sơn). Tính đến đầu tháng 4, doanh nghiệp này đang nợ thuế gần 14 tỷ đồng và bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Tương tự, Cục Thuế tỉnh Phú Yên cho biết đã gửi công văn số 1541/CTPHY-QLN về việc thông báo quy định tạm hoãn xuất cảnh đến bà Võ Thị Thanh, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thuận Thảo, đồng thời gửi công văn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Võ Thị Thanh đến Công an tỉnh Phú Yên.

Trước đó, ngày 11/3/2024, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty cổ phần Thuận Thảo do công ty còn nợ thuế hơn 184,6 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

Vừa qua, ngành thuế đã được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế. Nội dung trên được nêu tại công văn của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về thu ngân sách nhà nước năm 2024. Theo Bộ trưởng, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng cao, đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, thuê đất.

Năm nay, Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin nhằm kịp thời có biện pháp cưỡng chế. Theo đó, doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm 1 đại gia bất động sản bị cưỡng chế thuế