Vừa có thêm 4 trường đại học (ĐH) Việt Nam được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) cấp giấy chứng nhận khẳng định uy tín về đào tạo và nghiên cứu.
4 cơ sở gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Đây là lần thứ hai 4 cơ sở giáo dục ĐH cùng đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu HCERES (chu kỳ 2) và được cấp chứng nhận trong thời hạn 5 năm (từ ngày 10/4/2024 đến 10/4/2029). Trước đó vào tháng 6/2017, các đơn vị này là 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để chuẩn bị cho công tác tái kiểm định sau 5 năm, 4 cơ sở giáo dục ĐH trên đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022 gồm 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí. 3 lĩnh vực đánh giá là: Quản trị và điều hành; Chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.
Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chia sẻ, thành công ngày hôm nay của 4 trường ĐH khi được HCERES cấp giấy chứng nhận kiểm định bắt đầu từ những nỗ lực, cố gắng suốt những năm trước khi cùng nhau xây dựng các chương trình đào tạo và được Chính phủ 2 nước, cũng như các trường ĐH của Pháp hỗ trợ. Theo đó, việc nhận chứng nhận kiểm định không chỉ chứng tỏ các cơ sở giáo dục ĐH đã đạt được những tiêu chuẩn về tổ chức quản trị, hỗ trợ người học, các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo mà còn nhằm tiếp tục cải tiến chất lượng, cải tiến hệ thống quản lý điều hành, tái cấu trúc, nâng cao chất lượng hỗ trợ người học… hướng tới nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo và phục vụ xã hội.
Ông Sơn cho biết thêm, HCERES cũng là tổ chức kiểm định quốc tế đầu tiên được Bộ GDĐT công nhận hoạt động tại Việt Nam. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của HCERES không chỉ khẳng định uy tín, chất lượng của các cơ sở giáo dục ĐH ở phạm vi trong nước, khu vực mà còn trên cả trường quốc tế, giúp tăng cơ hội hợp tác với giáo dục ĐH nước ngoài, thu hút sinh viên các nước học tập, nghiên cứu, tiến tới quốc tế hóa chương trình đào tạo. Đồng thời còn thể hiện cam kết của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam trong việc đã và đang tiếp tục nghiên cứu thực hiện tốt các khuyến nghị của các tổ chức kiểm định quốc tế.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) trao Chứng nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế về cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của HCERES. Kết quả kiểm định sẽ có giá trị trong vòng 5 năm từ năm 2023 đến năm 2028. Ở thời điểm đó, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội là trường ĐH thứ 6 của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của HCERES, và là trường ĐH thứ 10 được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.
HCERES là tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu - ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) và Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục ĐH châu Âu (EHEA). Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA, các cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo ĐH; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Tính đến nay, HCERES đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục 6 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam gồm: ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.