Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh gia đình mới tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài - đây là tin vui vừa được Bộ Tài chính thông tin đến cộng đồng DN. Cụ thể, dự kiến sẽ miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên cho DN mới thành lập.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ phát triển.
Tin vui cho doanh nghiệp thành lập mới
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài. Theo đó, dự kiến miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên cho DN mới thành lập. Bộ Tài chính cũng dự kiến miễn lệ phí môn bài cho DN nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu. Bộ Tài chính ước tính nếu số lượng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khởi sự kinh doanh năm nay tương đương năm 2018 (khoảng 147.000 đơn vị) thì quy định này sẽ khiến thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79.300 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về của 1 DN thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%. Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ quy định này, quy trình khởi sự kinh doanh sẽ giảm một bước và chi phí còn lại chỉ khoảng 1 triệu đồng. Giới chuyên gia nhận định, việc miễn lệ phí môn bài cho các DN mới thành lập và những DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong 3 năm đầu tiên sẽ tiếp tục là một đòn bẩy cho các DN, điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh mục tiêu cả nước đạt được 1 triệu DN vào năm 2020.
Được biết, 3 năm qua, số DN thành lập mới mỗi năm đều đạt trên 100.000 DN, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó năm 2016 có 110.100 DN; năm 2017 có 126.859 DN và năm 2018 có 131.275 DN.
Để hộ kinh doanh “muốn lớn”
Thời gian qua, lo ngại về mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ, các cơ chế chính sách hiện nay không khuyến khích được các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Hiện nay, số lượng hộ kinh doanh cá thể rất lớn và đây chính là “nguồn bổ sung” giàu tiềm năng vào khối DN. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi thành DN, bởi họ lo ngại sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn các vấn đề liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế… tất cả đều sẽ khắt khe hơn. Chính bởi vậy, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều động thái, chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN, song đến nay số lượng hộ chuyển đổi là không đáng kể. Vẫn còn tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển thành DN vì ngại phát sinh nhiều chi phí, nhất là thuế.
Nhận định về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để người kinh doanh lựa chọn thì câu chuyện làm sao để thúc đẩy hộ kinh doanh đủ điều kiện muốn lớn lên thành DN vẫn là vấn đề băn khoăn lâu nay.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành, điểm yếu của DN siêu nhỏ là khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nếu số lượng DN chuyển đổi lớn, nhưng không được hỗ trợ bài bản, hộ kinh doanh có thể chỉ loay hoay tồn tại ở DN quy mô siêu nhỏ và đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Khi đó, mục tiêu đạt 1 triệu DN cũng sẽ không thành công.
Giới chuyên gia nhận định, quy định về miễn thuế môn bài sẽ tạo thêm một cú hích, động lực mới cho các hộ kinh doanh phát triển thành DN cũng như các DN thành lập mới, tuy nhiên, bên cạnh các cơ chế cũng cần phải có các quy định, chế tài đẩy mạnh việc chuyển hộ kinh doanh thành DN. Bởi nếu không có sự “lớn lên” của các hộ kinh doanh sẽ rất khó cho mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020.