Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố danh mục hơn 30 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên phạm vi cả nước. Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, “biến di sản thành tài sản”, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...
Trong đợt công nhận lần này có thể kể đến một số di sản như: Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp); Hát Trống quân Liêm Thuận (Hà Nam); Múa hát Lải Lèn (Hà Nam); Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh); Lễ hội Bổng Điền (Thái Bình); Lễ hội Mường Khô (Thanh Hóa); Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai - Kon Tum); Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông (Yên Bái); Vovinam - Việt Võ Đạo (TPHCM); Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen (Lào Cai); Lễ cúng rừng của người Cờ Lao (Hà Giang); Nghề làm tôm khô (Cà Mau); Hát Kiều (Quảng Bình); Nghề dệt đũi (Thái Bình)...
Việt Võ Đạo, tinh hoa võ thuật Việt Nam
Xin được giới thiệu một số di sản được công nhận là này. Trước hết, đó là “Việt Võ Đạo”, là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Sau này, môn võ này được gọi là Vovinam gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo).
Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu, khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Đến nay, Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập.
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam khẳng định, việc vovinam được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ môn sinh vovinam trong 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Về dài hạn, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ, phát triển vovinam ở trong nước và thế giới.
“Một mục tiêu khác mà chúng tôi quyết tâm thực hiện là xây dựng Học viện vovinam. Học viện dự kiến đặt ở TPHCM với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD, hứa hẹn là nơi đào tạo vovinam cho Việt Nam và thế giới” - ông Tín cho biết.
Còn theo ông Ngô Bá Huy - phụ trách môn vovinam (Cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL) thì mục tiêu là tiếp tục phát triển sâu rộng, đưa vovinam có mặt thường xuyên tại SEA Games, tiến tới góp mặt tại Á vận hội và Olympic. “Sau khi được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các đơn vị liên quan đang tiến hành làm hồ sơ để đệ trình UNESCO ghi danh vovinam vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” - ông Huy cho biết.
Đặc sắc trang phục của người Mông đen Sa Pa
Việc “Tri thức dân gian” nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui rất lớn của người dân. Trang phục của người Mông đen Sa Pa không rực rỡ sắc màu, mà thể hiện giá trị qua sự độc đáo trong cách làm hoàn toàn thủ công, họa tiết, hoa văn sắc nét, khỏe khoắn trong thiết kế.
Trang phục của người Mông đen Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày như: Vải được làm từ sợi lanh, được nhuộm màu tràm tự nhiên, trang trí họa tiết, hoa văn bằng bằng sáp ong, thêu thổ cẩm… Trang phục còn là sản phẩm văn hóa tạo nên nét đặc trưng của người Mông đen. Đây là thành quả quá trình lao động cần mẫn của người phụ nữ, trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài đã trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của một dân tộc.
Ngày nay, người Mông đen Sa Pa vẫn giữ thói quen làm và sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc. Đây chính là nét duyên của đồng bào, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, được rất nhiều du khách yêu thích và sử dụng.
Theo Trung tâm Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai, trang phục của người Mông đen ở Sa Pa phản ánh mối quan hệ với môi trường sống xung quanh cũng như tư duy kỹ thuật thủ công dựa trên kỹ năng dệt vải, thiết kế hoa văn, họa tiết trang phục...