Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10. Đỉnh điểm của dịch bệnh này có thể xảy ra vào tháng 10, 11. Thế nhưng, những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ rất sớm.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố ghi nhận 513 trường hợp mắc SXH, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội cũng ghi nhận 5 ổ dịch SXH. Hiện tất cả các ổ dịch đã kết thúc. Trong số các quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc SXH, quận Đống Đa với 81 ca, Hà Đông 58 ca, Hoàng Mai có 43 ca, Hai Bà Trưng có 32 ca, Bắc Từ Liêm và huyện Chương Mỹ mỗi nơi có 29 ca, quận Thanh Xuân có 25 ca…
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), điều này không bất thường bởi số ca mắc tuyệt đối không cao, số ca không lớn mà nằm rải rác, không có các ổ dịch lớn, tập trung.
“Số ca SXH thống kê ở Hà Nội tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 nhưng không đáng lo ngại. Tình hình này đều nằm trong dự báo trước và theo mô hình dịch tễ SXH có quanh năm. Vào mùa Xuân vẫn có ngày nhiệt độ cao, lúc nóng lúc lạnh, muỗi SXH phát triển ở nhiệt độ 25 độ C trở lên. Đặc biệt trong nhà đóng kín cửa làm cho nhiệt độ cao, muỗi sinh sôi phát triển trong nhà, đẻ trứng vào các bình chứa nước thành bọ gậy sinh sôi phát triển. Bên cạnh đó, việc người dân gia tăng giao lưu đi lại giữa miền Bắc và miền Nam cũng mang theo nguồn bệnh di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc bởi miền Nam có dịch quanh năm do thời tiết nóng, không có mùa lạnh làm gia tăng ca mắc” – ông Phu lý giải
Năm ngoái, Hà Nội ghi nhận 37.441 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 2,4 lần so với 2022, trong đó có 4 ca tử vong. Kết quả điều tra sự phân bố của muỗi truyền bệnh SXH cho thấy, muỗi truyền bệnh tại Hà Nội bao gồm 2 loài là Ae. aegypti và Ae. albopictus. Trong đó, véc tơ chính truyền bệnh là muỗi Ae. aegypti trước đây phân bố chủ yếu tại các quận nội thành và một số huyện ven nội, còn tại các huyện sự phân bố không đều và rải rác.
Theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), từ năm 2018-2022, số ca mắc SXH chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tạo nên gánh nặng y tế công cộng. Trước đây, dịch thường tập trung vào khoảng thời gian mùa thu tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là khoảng thời gian gần với thời điểm tựu trường tháng 9. Trong mùa đông, có những thời điểm không có ca bệnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây ghi nhận bệnh quanh năm với trọng điểm tập trung vào 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội.
Nguyên nhân có thể liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, chum, vại của người dân, cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để, nhiều công trình xây dựng dở dang nước đọng đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh... Theo xu hướng của số liệu những năm gần đây, dịch SXH sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng người bệnh ở mức cao vào những tháng đỉnh dịch.
Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê tỉ lệ mắc mới SXH tăng trên 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính khoảng 50-100 triệu trường hợp hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, gây nguy cơ cho gần một nửa dân số thế giới.
WHO đã cảnh báo SXH là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và là “mối đe dọa đại dịch”. Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia có thể khiến bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng, trong đó có Việt Nam.
WHO xếp gánh nặng bệnh tật của SXH tương đương với bệnh viêm não Nhật Bản do bệnh có thể gây nên những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng và số lượng người mắc rất lớn. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng, diễn tiến rất nhanh và nguy cơ dẫn đến gây tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mặc dù ở thời điểm hiện tại, dịch SXH sẽ không có khả năng bùng phát do khí hậu, thời tiết mùa Xuân nồm ẩm khiến muỗi không phát triển mạnh mẽ được nhưng người dân cũng không được chủ quan, phải giữ gìn vệ sinh nơi ở và khu vực xung quanh như diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách thay nước thường xuyên ở lọ hoa, bình trồng cây thủy sinh, lật úp các dụng cụ chứa nước…