Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chuyên gia y tế lưu ý những nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết.
Số ca tăng mạnh, thêm trường hợp tử vong
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, chỉ riêng tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), trong đó có 1 ca tử vong.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội là 23.314 trường hợp. Trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.
Số ca mắc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của Hà Nội phân bổ ở 30/30 quận, huyện, thị xã, 572/579 xã, phường, thị trấn. Quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết là Hoàng Mai, Phú Xuyên, Hà Đông...
Hiện nay ổ dịch ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội còn 239 ổ dịch ở 28 quận, huyện, thị xã. Một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như Thạch Thất, Thanh Oai...
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết trong kỳ báo cáo đã tăng rõ rệt, kết quả giám sát tại một số ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ, một số ổ dịch phức tạp, kéo dài. Dự báo thời gian tới số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch phức tạp.
Thời điểm hiện tại, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch ở một số quận, huyện: Phú xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ.
Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan. Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc tay chân miệng, đặc biệt tại các Trạm Y tế, các trường mầm non, mẫu giáo. Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có bệnh nhân, ổ dịch.
Nhóm đối tượng dễ diễn biến nặng khi mắc bệnh
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý như sau:
- Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.
- Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.
- Một số bệnh nhân đau khắp bụng.
- Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)
- Chảy máu chân răng, xuất huyết…
Theo chuyên gia y tế, đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo này, bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
"Khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…", BSCKII Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, BS. Nguyễn Trung Cấp cũng chỉ ra các nhóm đối tượng sau có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết, bao gồm:
- Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
- Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
- Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
- Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
- Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác... nhưng chỉ là những yếu tố phụ.