Giáo dục

Thêm ưu đãi cho sinh viên sư phạm

Hàn Minh 15/01/2024 13:13

Sau thời gian chờ đợi, sinh viên nhiều trường sư phạm đã nhận được khoản hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116.

anhbaitren.png
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên năm học 2023 – 2024. Ảnh: HNUE.

Niềm vui đến muộn

Nguyễn Thị Thúy (sinh viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) vui mừng cho biết em vừa nhận được khoản tiền hỗ trợ theo Nghị định 116. Đây là một tin vui với cả gia đình Thúy vì để lo cho em được đến trường, bố mẹ em đã phải chật vật vay mượn bạn bè, người thân.

“Em là con thứ 2 trong gia đình 4 chị em, bố mẹ đều làm nông. Em chọn học sư phạm để đỡ khoản học phí nhưng ngoài đợt chi trả ở học kỳ I năm đầu tiên, sau đó gia đình em phải tự xoay xở tiền sinh hoạt phí, vô cùng khó khăn. Nay có tiền về, mẹ em đi trả nợ hết những người đã vay trong hơn 1 năm qua” – Thúy vui mừng kể.

Đây là một trong 988 sinh viên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt do nhà trường chi trả. Số tiền lên tới hơn 68 tỷ đồng cho sinh viên sư phạm thuộc các khóa tuyển sinh năm 2021, 2022 trình độ đại học được chi trả theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Cũng đón nhận tin vui được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 là sinh viên sư phạm của Trường Đại học Đà Lạt. Theo đó, nhà trường đang làm thủ tục chi trả tiền hỗ trợ sinh hoạt phí của học kỳ 1 năm 2023 - 2024 , từ tháng 2 tới tháng 6. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết kinh phí hỗ trợ của 3 tháng năm 2022 gồm từ tháng 10 đến tháng 12 vẫn… chưa có.

Trong khi đó, theo thông tin từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, trường đang rà soát, xác nhận thông tin cá nhân để chi trả khoản hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên. Theo đó, sinh viên Khóa 2021 sẽ được nhận tiền hỗ trợ từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023 là 11 tháng, với số tiền hơn 39,9 triệu đồng/sinh viên. Khóa 2022 sinh viên được nhận tiền sinh hoạt phí theo thời gian 9 tháng từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2023, với số tiền hơn 32,6 triệu đồng/sinh viên. Khóa 2023, sinh viên nhận sinh hoạt phí của 4 tháng tính từ đầu năm học đến hết tháng 12/2023, mỗi người trên 14,5 triệu đồng.

Gỡ khó chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm

Từ năm 2021, sinh viên khối đào tạo giáo viên được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền học phí và 3,63 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí theo quy định tại Nghị định 116. Theo đánh giá của các trường sư phạm, đây là một trong những lý do quan trọng thu hút học sinh giỏi đăng ký vào ngành sư phạm những năm gần đây tăng lên rõ rệt, nhất là trong bối cảnh các trường thực hiện tự chủ, học phí đại học tăng cao. Kinh phí này được trích từ ngân sách của các địa phương, bộ, ngành, thông qua hình thức đặt hàng với các trường.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, đến tháng 8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết mới chỉ có 23/63 địa phương "đặt hàng" đào tạo giáo viên. Tỷ lệ sinh viên được hỗ trợ qua diện này chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Hơn 75% số còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các địa phương không mặn mà "đặt hàng" do chính sách này quy định sinh viên sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, không có cơ chế ràng buộc nào giữa các thí sinh này với địa phương chi tiền hỗ trợ. Ngoài ra, kể cả quay về, sinh viên vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.

Hàng nghìn sinh viên sư phạm bị nợ tiền học phí và sinh hoạt phí, nhiều gia đình phải chật vật xoay xở để lo cho con theo học. Các trường cũng chỉ có thể chờ kinh phí từ địa phương. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP với những điểm mới như quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho sinh viên sư phạm và nâng cao chất lượng. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp “tháo gỡ” điểm nghẽn trong việc đào tạo đặt hàng của các địa phương.

Để con đường đến trường của những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn bớt gian nan, cần lắm những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước. Trong đó Nghị định 116 là một trong những chính sách nhân văn giúp sinh viên ngành sư phạm yên tâm với lựa chọn gắn bó với nghề giáo của mình dù điều kiện gia đình còn khó khăn các em cũng không phải bỏ dở việc học. Tương lai nghề giáo cũng chưa hẳn có nhiều đãi ngộ vượt bậc so với những ngành nghề khác trong xã hội, nhưng nói như cô giáo Hà Ánh Phượng (Trường THPT Hương Cần, Phú Thọ) rằng cô chọn nghề giáo, chọn trở về quê hương để dạy học dù có nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn, mức lương cao hơn nhiều. Lý do là vì để trả “món nợ ân tình”.

“Từ nhỏ tôi học trường nội trú nên từ lúc đi học đến lúc tốt nghiệp đại học tôi đều được Nhà nước chi trả tiền ăn, học, sinh hoạt, hay hưởng các học bổng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đã từng nghĩ về quê là cách mình trả “món nợ ân tình” đó” – cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ. Những hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm hôm nay không chỉ giúp các em hoàn thành được ước mơ nơi giảng đường của mình mà sẽ trở thành động lực để mai này, chính các em sẽ đem những tri thức, hiểu biết và nhiệt huyết của mình truyền lại cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm ưu đãi cho sinh viên sư phạm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO