Then và cây đàn tính

Miên Thảo (Tổng hợp) 19/05/2016 16:08

Then không chỉ là một loại hình văn hoá, văn nghệ đặc sắc mà còn gắn với đời sống tâm linh của bà con người Tày, người Nùng, người Thái  ở nhiều tỉnh vùng cao phía Bắc. Không biết hát then ra đời từ bao giờ nhưng tới nay nó vẫn tồn tại trong cộng đồng, được bà con nâng niu, trân trọng.

Then và cây đàn tính

Lớp trẻ hôm nay tìm đến với những làn điệu then cổ.

Then là loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian, với nhiều làn điệu phong phú. Theo GS. Tô Ngọc Thanh, then vốn dĩ ra đời để thực hiện chức năng thờ cúng, chữa bệnh, dùng để cầu tự (cầu con), cầu duyên, hay nối số (kéo dài tuổi thọ). Tuy nhiên, theo thời gian, then đã tự mở rộng, xuất hiện trong nhiều bối cảnh hơn, kể cả việc nó đã được sân khấu hóa để phù hợp với hoàn cảnh.

Với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Then có nghĩa là “thiên”. Bà con người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước gửi tới thánh thần. Vì thế, trước kia, hát then mang ý nghĩa trang trọng, đặc biệt là vào những dịp tế lễ.

Then và cây đàn tính - 1

Một tốp then ở Cao Bằng.

Trong những dịp cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, mừng thọ ông bà, cha mẹ, mừng nhà mới, bà con người Tày thường tổ chức hát then. Tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, trong nhiều cộng đồng Tày, Nùng, Thái, những làn điệu then luôn nhắc nhở người ta một cõi đi về.

Then có điểm chung cốt lõi, nhưng cũng tùy từng vùng mà có những biến đổi không trùng nhau. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, then Lạng Sơn da diết, đằm thắm; then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Cạn thủ thỉ tâm tình. Còn then Tuyên Quang mạnh mẽ hơn. Nhưng tựu trung lại người ta vẫn nhận ra đó là hát then không lẫn với bất cứ loại hình diễn xướng dân gian nào khác.

Hát then bao giờ cũng đi liền với cây đàn tính. Đàn tính hòa với hát then tạo nên một tác phẩm âm nhạc ấn tượng. Truyền thuyết kể rằng, đàn tính vốn đàn có chín dây, mỗi khi cất lên, tiếng đàn lại làm ngẩn ngơ muông thú cỏ cây. Mỗi khi âm thanh tiếng đàn vọng ra thì “Cá nghe chết chín đoạn suối. Chuột nghe chết chín quãng rừng. Trai gái nghe chết chín cõi lòng”. Vì thế, Ngọc Hoàng đành tước bớt số dây đi, chỉ để lại hai đến ba dây cho một cây đàn như hôm nay ta thấy.

Then và cây đàn tính - 2

Một tiết mục trong Liên hoan hát then ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Người ta nói rằng, âm thanh của đàn tính có sự ám ảnh, mê hoặc lòng người. Đó là âm thanh tự nhiên của núi rừng, sông suối, của những con người yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên và yếu tố tâm linh sâu xa. Tiếng đàn khi thì khẩn trương, khi thì gấp gáp gợi cho người ta hình ảnh trèo non lội suối, hình ảnh những con người áo chàm chân đất tiến sâu vào rừng già. Tiếng đàn tính đôi khi lại tha thiết ngọt ngào như thể cảm kích người lái đò giúp đỡ mình qua sông qua suối.

Xưa kia, bản làng nào của người Tày, người Nùng cũng có ông then, bà then. Đó là những người có uy tín trong bản, biết nhiều diệu then, thê hiện chúng một cách nhuần nhụy. Ông then, bà then rất có tài, họ có thể thể hiện cùng một lúc nhiều “vai”: hát những giai điệu biến chuyển linh hoạt, sắc mặt thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân bước lúc khoan lúc nhặt. Ông then, bà then còn có thể vừa hát vừa diễn tả những động tác cưỡi ngựa, phất quạt… Xưa, bà con coi những ông then, bà then là sứ giả của thần thánh. Những ông then, bà then đẳng cấp đạt đủ 13 quai- thang bậc cao nhất của những người biết hát then làm lễ- bao giờ cũng nhận được sự kính trọng của cộng đồng.

Lời hát then theo thời gian được chắt lọc, gọt giũa, trở thành những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu. Lời then thường hướng tới sự khuyên răn, khích lệ, hay là bày tỏ kinh nghiệm đối nhân xử thế... Trong then cầu an, then cầu mùa, then chúc tụng, then chữa bệnh, then cấp sắc… thì cùng với tính nghệ thuật, thì tính giáo dục là rất lớn. Nói chung, bà con đã “dùng con thuyền nghệ thuật để chở những giá trị đạo đức, luân lý, cái nghĩa ở đời”.

Then và cây đàn tính - 3

Nghệ nhân truyền giảng hát then cho thế hệ sau.

Nhưng rồi, theo thời gian cùng sự biến đổi của đời sống xã hội, các điệu then và kể cả tiếng đàn tính cũng dần thu hẹp. Điều đó khiến những người làm công tác văn hóa, những người có tâm với văn hóa dân tộc lo lắng, bùi ngùi. Lớp trẻ biết hát then, chơi đàn tính không nhiều. Chính vì thế, những nỗ lực gìn giữ, khôi phục then trong cộng đồng luôn được đánh giá cao. Nhiều nghệ nhân dân gian không quản khó nhọc vẫn kiên trì dạy cho con cháu những điệu then, những ngón đàn tính để dòng chảy của loại hình nghệ thuật này không đứt đoạn. Chính vì thế, những năm gần đây, phong trào hát then đã được khơi gợi, đặc biệt hấp dẫn trong những mùa lễ hội.

Rất vui khi đến với những bản làng vùng cao Việt Bắc, Tây Bắc, được chứng kiến những vị cao niên nắn từng nốt đàn tính, luyện từng câu then cho các em nhỏ. Và cũng thật vui khi vào lễ hội, được xem những nhóm hát then biểu diễn những làn điệu cổ trong dặt dìu tiếng đàn tính. Dòng chảy của then trong đời sống đương đại đã không bị đứt quãng, tuy rằng sự hồi phục nó, đem tới cho nó sức sống mạnh mẽ là điều hết sức khó khăn.

Tiếng đàn tính mang âm thanh tự nhiên của núi rừng, sông suối, của những con người yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên và yếu tố tâm linh sâu xa. Tiếng đàn khi thì khẩn trương, khi thì gấp gáp gợi cho người ta hình ảnh trèo non lội suối, hình ảnh những con người áo chàm chân đất tiến sâu vào rừng già. Tiếng đàn tính đôi khi lại tha thiết ngọt ngào như thể cảm kích người lái đò giúp đỡ mình qua sông, qua suối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Then và cây đàn tính