Mặc dù giá thép trên thị trường thế giới đã có xu hướng nhích lên, song thực tế, ngành thép Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường do nhiều quốc gia đang tiến hành các biện pháp tự vệ đối với thép Việt Nam.
Thép Việt Nam.
Cụ thể, đầu tháng 11/2019, thép Việt Nam đã bị Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE). Tại một số thị trường khác như Hoa Kỳ, EU, thậm chí cả Liên minh kinh tế Á - Âu, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của các nước cũng gây ra nhiều áp lực đối với thép Việt Nam.
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, thép luôn là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng. Cụ thể, trong số 142 vụ việc PVTM mà các nước điều tra với Việt Nam, có tới 35 vụ là với sản phẩm thép. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã khuyến cáo, các DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước để giảm thiểu những nguy cơ bị áp các biện pháp tự vệ tại thị trường nhập khẩu.
Giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, các DN ngành thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế; cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cơ hội cho thị trường nhập khẩu khởi kiện.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ, cùng với đó là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy mạnh nguồn cầu về các sản phẩm thép, thì đây là cơ hội lớn cho ngành thép phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng dịp các nhà quản lý nâng cao vai trò trong việc bảo vệ thị trường thép trong nước, đồng thời ngăn cản việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.