Từ năm 2021 Hà Nội sẽ thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở một số đơn vị. Theo đó, ở những đơn vị thí điểm sẽ chỉ còn chính quyền 2 cấp.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tại Hà Nội, tính đến ngày 1/4/2019, dân số Hà Nội là hơn 8 triệu người, tăng thêm 1,6 triệu người so với năm 2009. Dù thành phố đặt mục tiêu quy mô dân số khoảng 9 triệu người vào năm 2030, nhưng với thực tế trung bình mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương số dân của một huyện lớn đã và đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở của Thủ đô.
Việc xử lý các vấn đề lớn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, thiếu điểm sinh hoạt cộng đồng, quá tải trường lớp, phát sinh trong quản lý đất đai… luôn là những vấn đề thường trực mà các cấp chính quyền từ cơ sở đến thành phố phải giải quyết.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Yêu cầu xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn, tạo tiền đề cho một chính quyền hiệu lực, hiệu quả phù hợp với thực tế phát triển. Trong khi đó, bộ máy chính quyền của TP hiện nay đang thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ 3 cấp, trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống tập trung, mật độ dân cư cao, cho nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định, điều hành của UBND TP, các quận, huyện, thị xã đối với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.
Còn theo ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc xây dựng chính quyền đô thị không chỉ ở mô hình tổ chức mà quan trọng là thẩm quyền và cách thức hoạt động, qua đó thúc đẩy các vấn đề then chốt trong tự chủ và tự quản, để quyết “việc Dân” một cách nhanh nhất, sớm nhất. Ông Phúc cho rằng, việc triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị cho Hà Nội chính là một “cú hích” cho mục tiêu ấy. Bởi hơn lúc nào hết, Hà Nội đang cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả sứ mệnh Thủ đô. Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và tăng cường phân cấp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải quyết tốt thì cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.