Việc thu phí không dừng vẫn còn bất cập như: phương tiện chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, có 2 tài khoản, không có thông tin đầu vào, không đọc được thẻ và phương tiện ghi nhận thông tin đầu vào...
Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Theo đó, Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 4 trạm thu phí là trạm Diên Khánh, trạm Suối Dầu, trạm Cam Lâm và trạm Cam Ranh.
Toàn bộ các trạm thu phí trên tuyến được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào ETC đa làn tự do (không có barie), đầu ra ETC đơn làn (có barie), không có làn thu phí một dừng (MTC).
Tuyến Nha Trang - Cam Lâm tính từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 30/6/2024 có hơn 230.000 lượt xe qua tuyến. Tổng doanh thu toàn tuyến đạt hơn 20 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo tính từ ngày 28/5 đến hết ngày 28/6/2024 có gần 281.000 lượt xe qua tuyến. Tổng doanh thu toàn tuyến đạt hơn 50 tỷ đồng.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc triển khai thí điểm mô hình bỏ barie đầu vào tại 2 dự án cao tốc cho thấy, các đơn vị vận hành, đơn vị cung cấp dịch vụ gặp một số vướng mắc trong vận hành, phối hợp xử lý.
Nguyên nhân là do mô hình thu phí mới, phát sinh các trường hợp không có trong kịch bản tính toán trước đó; công tác hậu kiểm, đối soát phải tăng cường để phối hợp xử lý liên tuyến do các phương tiện không đủ điều kiện đi vào tuyến, và các phương tiện không có thông tin đầu vào.
Các tồn tại phổ biến gồm: phương tiện chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, có 2 tài khoản, không có thông tin đầu vào, không đọc được thẻ và phương tiện ghi nhận thông tin đầu vào.
Trong đó, 2 lỗi có tỷ lệ cao là phương tiện không có thông tin đầu vào. Cụ thể, tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo 0,36%, tuyến Nha Trang - Cam Lâm 0,39%. Lỗi phương tiện không đủ điều kiện: Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo 0,94%; tuyến Nha Trang - Cam Lâm 0,8%.