Hàng loạt những hạn chế, thiếu sót trong công tác coi thi Kỳ thi chọn Học sinh giỏi cấp quốc gia THPT 2021-2022 vừa được Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra, khiến một lần nữa kỳ thi này trở thành đề tài quan tâm của các chuyên gia, giáo viên và những người trong cuộc.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Mới đây, Thanh tra Bộ GDĐT đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót trong công tác coi thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2021-2022 tại Hội đồng coi thi TP Hồ Chí Minh. Kỳ thi diễn ra vào ngày 4/3.
Theo kết luận thanh tra, một số đội tuyển của đơn vị dự thi Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh và đơn vị dự thi Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có số lượng thí sinh của một đội tuyển vượt quy định.
Ngoài ra, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh không thực hiện xếp số báo danh theo thứ tự A, B, C của tất cả thí sinh trong danh sách dự thi của mỗi môn thi theo đúng quy định. Sở này cũng thực hiện bố trí thí sinh của từng đội tuyển Tiếng Anh, Tin học của từng đơn vị dự thi trong 1 phòng thi riêng biệt là không đúng quy định.
Thanh tra Bộ cũng chỉ rõ, việc Hội đồng coi thi thực hiện mở túi đề thi 2 môn Tiếng Anh và Tin học tại Phòng Hội đồng vào thời điểm trước thời gian được phép mở và phát đề cho thí sinh 25 phút là vi phạm quy định tại điểm d khoản 5 Điều 28 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng ban hành công văn đồng ý cho các đơn vị dự thi được tăng số lượng thi sinh mỗi môn thi cho đơn vị dự thi là chưa đúng về thẩm quyền và nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT khiến một lần nữa kỳ thi này trở thành đề tài quan tâm của nhiều người bởi đây không phải lần đầu tiên những sai sót trong kỳ thi này được chỉ ra.
Ðầu năm học 2018 - 2019, Thanh tra Bộ GDÐT đã có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDÐT), trong đó chỉ ra một loạt vi phạm trong tổ chức Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017.
Kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT thời điểm đó cũng chỉ rõ, qua đối chiếu danh sách thành viên tham gia xây dựng đề thi đề xuất, danh sách Hội đồng ra đề năm 2015, 2016, 2017 và danh sách đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của 4/63 tỉnh thành cho thấy: Có một số thành viên vừa tham gia xây dựng đề thi đề xuất vừa là thành viên của Hội đồng ra đề thi, nhưng đồng thời tham gia bồi dưỡng tập huấn cho các đội tuyển dự thi của các tỉnh, gây dư luận không tốt và tiềm ẩn khả năng lộ bí mật, thiếu khách quan.
Không những thế, thanh tra Bộ GDĐT cũng kết luận, Cục Quản lý chất lượng Bộ GDĐT chưa có căn cứ để xác định số lượng đề thi đề xuất, số lượng người mời tham gia xây dựng đề thi đề xuất đối với mỗi môn thi. Nhiều môn số lượng đề thi đề xuất ít, như Ngữ văn 2 đề, Tin học 3 đề, Tiếng Pháp 4 đề.
Cũng theo kết luận này, một số giảng viên tham gia xây dựng đề thi đề xuất cũng tham gia tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển các địa phương. Mặt khác, danh sách người ra đề thi đề xuất không đảm bảo thể thức của văn bản tối mật theo quy định của quy chế học sinh giỏi quốc gia.
Băn khoăn tính khách quan của kỳ thi
Kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT thời điểm năm học 2018 - 2019 cũng nêu rõ, sau khi chấm thi xong, đề thi, đáp án của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hằng năm chưa thực hiện công bố trên website của Bộ GDĐT theo quy định của quy chế.
Quy định này đã có trong quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia do Bộ GDĐT năm 2014. Thế nhưng, từ đó cho đến nay, quy định này vẫn không được thực hiện.
Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố danh sách học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, không ít giáo viên bất ngờ bởi năm nay không còn thấy phần thông tin điểm từng thí sinh.
Nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GDĐT cần công bố công khai điểm số, thậm chí toàn văn các bài thi đạt giải của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để học sinh, giáo viên được học hỏi, đặc biệt tránh những suy nghĩ về việc thiếu minh bạch.
Trước luồng ý kiến phản ứng của dư luận, sau đó, Bộ GDĐT cũng đã chính thức công bố đề thi và đáp án Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022.
Về vấn đề này, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho biết, thời gian qua, không chỉ riêng bản thân thầy mà nhiều giáo viên phổ thông cũng từng có ý kiến. Trước đây, Bộ GDĐT đã từng công bố và thậm chí in thành sách, nhưng nhiều năm gần đây thì không.
Theo thầy Hiển, việc công khai, minh bạch bài thi là yêu cầu cốt yếu đầu tiên của bất kỳ một kỳ thi nào, kể cả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Công khai ở đây gồm công khai đề thi, công khai bảng biểu chấm thi và đặc biệt là công khai bài làm của các thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi đó.
Mục đích của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là tuyển chọn, tìm ra các nhân tố tài năng, qua đó đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, sau nhiều năm kỳ thi diễn ra với hàng loạt những sai sót, vi phạm, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về tính trong sạch, khách quan của kỳ thi này.