Với phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ hai môn tự chọn từ năm 2025, nhiều ý kiến lo ngại sẽ giảm cơ hội vào đại học của các thí sinh vì bị giới hạn tổ hợp xét tuyển.
Cân nhắc 2 môn tự chọn
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không cho phép thí sinh thi quá 2 môn lựa chọn.
Lý giải về quy định này, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho hay, với mô hình hiện nay chưa cho phép thí sinh thi quá 2 môn lựa chọn. Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao.
Trong khi đó số thí sinh muốn thi 3 đến 4 môn tự chọn sẽ không nhiều và nếu các em lựa chọn thi nhiều môn cũng sẽ gây lãng phí và tốn kém. “Đây là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực", ông Hà cho hay.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn được đánh giá là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang lo ngại rằng, cơ hội vào đại học của các em sẽ giảm vì bị giới hạn tổ hợp xét tuyển.
Theo ghi nhận, nhiều học sinh lựa chọn môn Tiếng Anh và cân nhắc một môn lựa chọn tiếp theo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tuy nhiên, để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, các em sẽ phải cân nhắc lựa chọn 2 môn thi này.
Em Nguyễn Ngọc Minh, hoc sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, em muốn thi môn Tiếng Anh nhưng cũng muốn thi cả môn Vật lý và Hóa học để thêm cơ hội xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).
“Quy định không được thi hơn 2 môn lựa chọn khiến em nâng lên đặt xuống, loay hoay không biết chọn 2 môn tự chọn nào để tăng cơ hội vào đại học”, Minh nói.
Tương tự, Hoàng Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) dự kiến chọn môn Tiếng Anh để xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh), nhưng em cũng muốn chọn thêm hai môn Hóa học và Sinh học để xét tuyển khối B00 (Toán, Hóa, Sinh).
Trong khi đó, ở hai môn tự chọn lần đầu tiên có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là: Tin học và Công nghệ thì rất ít trường có các tổ hợp xét tuyển có hai môn này.
Vì vậy, Ngọc Anh cho rằng, việc giới hạn số môn tự chọn sẽ làm bất lợi cho thí sinh và mong muốn Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn, công bố cách thức tuyển sinh đại học năm 2025.
Tuyển sinh đại học thay đổi thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến các trường đại học lo cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp Khoa học Tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm.
Do đó, ông Điền khuyên thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh, tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức.
NGND, PGS.TSKH Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Tin học 2018 cho rằng, các trường đại học cần xây dựng mới, tái cấu trúc và công bố sớm các tổ hợp môn xét tuyển sinh cho các ngành đào tạo. Việc làm này sẽ điều chỉnh quyết sách có tầm ảnh hưởng tác động lớn.
Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học từ năm 2025, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh đại học được giữ ổn định trong 2 năm qua và quy chế này có làm rõ các nguyên tắc, yêu cầu chung và cơ bản để các trường tổ chức công tác xét tuyển mà không phụ thuộc vào nội dung, mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào thì các trường vẫn đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các phương thức xét tuyển, tuyển sinh đầu vào phù hợp với chương trình đào tạo”, bà Thủy khẳng định.
Bộ GDĐT cho biết, nguyên tắc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Kỳ thi sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT.
Thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.